‘Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ’: Tấm lòng ‘đặc biệt thương nhau’ trong đại dịch của người Sài Gòn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa đại dịch Covid-19, tiếng rao “Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ” mang ý nghĩa khác hẳn mọi ngày, nó không chỉ gợi lên sự thân thương đối với món ăn quen thuộc - gắn liền với đời sống người dân mọi tầng lớp - mà nay tiếng rao ấy còn giúp xoa dịu “cái lạnh” của cơn “bão Covid-19”, và khiến chúng ta nhận ra rằng điều giản dị nhất chính là điều đẹp nhất: Tình người.

Những ai từng sống ở Sài Gòn, dù là dân “chính gốc” hay người rời quê đến đây làm ăn, học tập - đều đã trở nên quen thuộc với tiếng rao: “Bánh mì đây, bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm ngon”. Tiếng rao bình dị ấy hoà lẫn vào nhịp sống hiện đại của Sài Gòn như một phần không thể thiếu.

‘Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ’

Câu chuyện của một nhóm thiện nguyện trẻ có tên là “Bánh mì 0 đồng”, nhóm tình nguyện không có ai “dân gốc Sài Gòn”, họ chỉ có điểm chung duy nhất là tình yêu với thành phố này và con người nơi đây.

Cảm thông trước hoàn cảnh của người nghèo trong mùa dịch COVID-19, anh Hoàng Đức Huy (33 tuổi, quê Hải Phòng) đã thành lập nhóm thiện nguyện này, với hy vọng chia sẻ bớt khó khăn với nhiều mảnh đời đang chật vật sống giữa đại dịch.

Anh Huy cùng bạn bè bắt đầu với 100 ổ bánh mì mang đi phân phát ở một số con đường từ hôm 1/7 tới nay. Sau đó, nhóm nhân lên 200 rồi 300 ổ mỗi ngày.

Nhưng càng đi anh càng nhìn thấy nhiều cảnh đời khốn khó, chỉ vài trăm ổ bánh mì thì “như muối bỏ bể” không thấm vào đâu, vì còn quá nhiều người cần giúp đỡ. Vậy là anh kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp. Chỉ trong vòng 2 tuần, các nhà hảo tâm quyên góp tổng cộng 1,1 tỷ đồng. Đó là điều khiến nhóm "Bánh mì 0 đồng" vô cùng kinh ngạc và cảm động vì tình cảm của hàng ngàn người từ mọi miền đất nước.

Anh kể có những em nhỏ đập heo đất, làm bánh bán kiếm tiền gửi nhóm hoặc các cô giáo về hưu ở tận tỉnh Sơn La trích tiền lương ít ỏi để quyên góp. Nhiều bạn bè các tỉnh phía bắc và bà con Việt kiều cũng gửi tấm lòng vào những ổ bánh mì thân thương thông qua dự án “Bánh mì 0 đồng”.

Nhờ vậy mà bữa ăn của bà con nghèo được cải thiện hơn, bánh mì nay đã có kèm thêm xúc xích, sữa và nước uống. Đến nay, bình quân mỗi ngày nhóm chuẩn bị từ 1.000 - 1.500 phần ăn, có khi là bánh mì, khi lại là cơm, thực đơn của nhóm thay đổi để bà con có nhiều dinh dưỡng hơn.

Chỉ hơn 20 ngày, nhóm đã trao tặng hơn 25.000 phần ăn. Vào mỗi tối thứ 2, 4, 6, nhóm của anh Huy sẽ mang sọt đựng bánh mì cùng thức ăn, rồi mỗi người tỏa ra khắp các ngõ hẻm, con phố - trao bánh mì tới tận tay người cần giúp đỡ. Từ Thủ Đức, Bình Thạnh sang đến Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, hay những vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè… nơi nào nhóm bạn cũng ghé qua.

‘Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau

Từ Thủ Đức, Bình Thạnh sang đến Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, hay những vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè… nơi nào nhóm bạn cũng ghé qua để trao bánh mì cho người cần giúp đỡ (Ảnh: tổng hợp)
Từ Thủ Đức, Bình Thạnh sang đến Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, hay những vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè… nơi nào nhóm bạn cũng ghé qua để trao bánh mì cho người cần giúp đỡ (Ảnh: tổng hợp)

Có nhiều người cao tuổi, người tàn tật hay các em nhỏ gặp khó khăn trong việc di chuyển đến địa điểm thiện nguyện để nhận hỗ trợ, thì các thành viên nhóm “Bánh mì 0 đồng” cũng không quản ngại vất vả để giao đến tận nơi, trao tận tay những người cần giúp đỡ. Phương tiện cũng “linh hoạt”, có khi nhóm dùng xe bán tải, có khi chạy xe máy mang đồ theo.

“Có lần chúng tôi tặng bánh mì cho người khuyết tật, vì không nói được nên họ chỉ biết chắp tay cúi đầu. Thấy nước mắt rơi trên mặt họ, tôi nhủ lòng mình phải cố gắng nhiều hơn”, anh Huy chia sẻ.

Sở dĩ anh Huy chọn bánh mì vì anh cho rằng bánh mì luôn gắn liền với cuộc sống người dân Sài Gòn. "Đây là một món ăn bình dị, phổ thông với người dân. Bánh mì là thực phẩm ngắn hạn, cứu đói ngay lập tức, dễ ăn khi giúp người vô gia cư ăn được liền. Mặt khác, chúng tôi bị ngấm lối sống của người Sài Gòn, với những tiếng rao bánh mì Sài Gòn. Và bánh mì phù hợp với phương châm của nhóm lúc này”, anh nói.

Khi được hỏi về việc các thành viên nhóm có sợ nhiễm bệnh không khi làm thiện nguyện trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, anh Huy vui vẻ nói, anh cũng như các thành viên trong nhóm rất lo lắng nhưng chẳng thể vì điều này mà dừng lại.

Với “Bánh mì 0 đồng”, được cho đi đã là điều hạnh phúc. Các thành viên trong nhóm đều là “dân tứ xứ” đến Sài Gòn sinh sống và làm việc, không ai là người Sài Gòn “chính gốc”.

Bản thân anh Huy cũng là người sống và học tập ở Anh, sau khi về nước làm việc anh chọn ở lại Sài Gòn: “Bởi con người nơi đây khí chất và bao dung. Với những ngày thành phố ‘trọng thương’ thì tình yêu thương, gắn kết của người Sài Gòn lại càng làm cho mình yêu quý thành phố hoa lệ này”.

Thành quả của nhóm sau 2 tuần rong ruổi khắp các ngõ hẻm để “bán” bánh mì 0 đồng là tình cảm, tiếng cười của tất cả mọi người trong đại dịch Covid-19. Từ niềm vui, lòng biết ơn trong ánh mắt của người khốn khó, đến cái vẫy tay chào hỏi của người dân, của anh CSGT hay anh shipper xa lạ dọc đường, và cả những lời động viên của mọi người nơi chốt kiểm dịch, tất cả những điều ấy làm nhóm xúc động và tiếp thêm động lực để họ trao đi nhiều hơn.

Anh Huy còn gọi hoạt động này là "huy động vốn" và “bán” cho những người khó khăn trong dịch với giá "0 đồng”, anh và nhóm của mình hy vọng những người nhận được “món quà nhỏ” này sẽ cảm nhận được sự sẻ chia, chứ không cảm thấy áy náy hay mặc cảm. Nhóm thiện nguyện sẽ tiếp tục phát bánh mì đến tay những người khó khăn, cho đến khi thành phố... “hết bệnh”.

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

‘Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ’: Tấm lòng ‘đặc biệt thương nhau’ trong đại dịch của người Sài Gòn