Bạn có biết, nếu bảo quản cơm không đúng cách sẽ bị ngộ độc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nói đến ngộ độc thực phẩm, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến thực phẩm tươi sống như các loại thịt, hải sản để trong tủ lạnh quá lâu, nhưng bạn có biết cơm cũng có thể khiến bạn đầy bụng và có hại cho sức khỏe nếu bảo quản không đúng cách.

Bảo quản cơm sai cách dẫn đến ngộ độc

Nhiều người thường có thói quen ăn cơm nguội, hoặc cho cơm nguội vào lò vi sóng để hâm nóng rồi ăn. Nhưng bạn có biết rằng thói quen đó có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm do ăn cơm nguội hâm nóng. Tuy nhiên, không phải việc hâm nóng gây ra các vấn đề đó, mà là do cách thức bảo quản cơm trước khi nó được hâm nóng.

Nguyên nhân bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm từ cơm nấu chín là do không cất vào tủ lạnh ngay sau khi nấu.

Nhà vi sinh vật thực phẩm Cathy Moir của CSIRO cho biết, việc bạn bị ngộ độc cơm là do vi khuẩn Bacillus cereus gây ra.

File:Bacillus cereus SEM-cr.jpg
Vi khuẩn Bacillus cereus. (Ảnh Commons Wikimedia)

Những vi khuẩn này tạo ra độc tố khiến cho bạn có các biểu hiện (thường là) buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi ngay sau khi ăn phải cơm bị nhiễm khuẩn.

Bacillus cereus thường được tìm thấy trong đất và đôi khi trong các loại thực phẩm thực vật được trồng gần mặt đất, chẳng hạn như lúa gạo, các loại đậu, ngũ cốc…

Nếu thức ăn được nấu chín và xử lý đúng cách thì Bacillus cereus không phải là vấn đề. Vấn đề là trong điều kiện khô ráo - chẳng hạn như cất cơm vào tủ lạnh, Bacillus cereus vẫn tồn tại dưới dạng bào tử.

Nấu chín không đủ để giết chết bào tử hoặc độc tố

Khi bạn đổ nước vào gạo rồi bắt đầu nấu, đây là quá trình giúp các bào tử sinh sôi, phát triển. Quá trình nấu chín không giết chết các bào tử chịu được nhiệt hoặc độc tố mà vi khuẩn tạo ra.

Sau khi cơm được nấu chín, vi khuẩn Bacillus cereus sẽ phát triển và phát triển mạnh trong môi trường ẩm, ấm. Vì vậy, nếu bạn không ăn cơm ngay sau khi nấu chín, bạn cần bảo quản cơm trong tủ lạnh - tốt nhất là cất cơm vào tủ lạnh trong vòng một giờ hoặc lâu hơn, nhưng chắc chắn là chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ.

Tủ lạnh sẽ không giết chết vi khuẩn nhưng nó sẽ làm chậm sự phát triển của chúng. Vì lý do này, bất kỳ phần cơm nguội nào nếu bạn chưa kịp ăn hết nên vứt bỏ sau 5 ngày lưu trữ trong tủ lạnh.

Cơm rang tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao

Thời gian để cơm nguội ở nhiệt độ thường trong phòng càng lâu thì lượng độc tố và vi khuẩn càng phát triển nhiều. Dù có rang hoặc hâm lại cơm cũng không thể loại bỏ được các độc tố này, cũng như không tiêu diệt được vi khuẩn.

Điều nguy hiểm là nhiều khi cơm nguội để trong tủ lạnh lấy ra vẫn như mới, không có mùi chua, thiu gì nên nhiều người thường chủ quan. Do đó, cứ để dồn lại trong tủ lạnh, thậm chí mấy ngày rồi hấp hoặc rang cơm.

Cơm rang. (Ảnh: PxHere)
Cơm rang. (Ảnh: PxHere)

Nhà vi sinh vật thực phẩm Cathy Moir cho biết cơm rang là thủ phạm gây ngộ độc phổ biến.

Bà giải thích: “Các nhà hàng sẽ nấu cơm trước một ngày, sau đó để cơm qua đêm để nấu thành cơm chiên vào ngày hôm sau. Vì vậy, các bào tử Bacillus đã nảy mầm, phát triển và tạo ra độc tố. Khi cơm rang chín, độc tố chưa bị tiêu diệt hết, sau đó khách hàng ăn cơm rang bị nhiễm độc khiến rất nhiều người bị bệnh”.

Cách tốt nhất để tránh ngộ độc thực phẩm do Bacillus cereus và các vi khuẩn khác (thường độc hại hơn) là luôn nấu chín và bảo quản thực phẩm một cách an toàn.

Cách bảo quản cơm vừa nấu mà không ăn ngay

Nếu bạn đang nấu cơm mà có cuộc hẹn ra ngoài ăn với bạn bè, khách khứa mà nồi cơm lại đang nấu dở chưa dùng đến, bạn nên đợi cho đến khi hơi nước ngừng bốc lên, sau đó đổ ra hộp đậy nắp lại và cất vào tủ lạnh.

Để cơm nóng nguội nhanh hơn, bạn xúc cơm vào hộp sâu khoảng 10cm, và để giảm thiểu tác động của cơm nóng đến nhiệt độ bên trong tủ lạnh, bạn hãy đặt những viên đá đông lạnh lên trên nắp hộp.

Quốc Trung



BÀI CHỌN LỌC

Bạn có biết, nếu bảo quản cơm không đúng cách sẽ bị ngộ độc?