Bác sĩ tiêm virus vào hai con thỏ, không ngờ 90% thỏ cả nước đã chết

Giúp NTDVN sửa lỗi

70 năm trước, để loại bỏ thỏ - một loại động vật có vú dễ thương nhưng phá hoại - khỏi khu đất rộng 300 ha của mình, một bác sĩ người Pháp đã tiêm một chủng virus chết người cho hai con thỏ rừng. Kết quả là số thỏ ở Tây Âu đã giảm hơn 90% chỉ trong một thời gian ngắn...

Thỏ tuy dễ thương nhưng cực kỳ phá phách

Câu chuyện bắt đầu ở nước Úc. Không có thỏ ở Úc hơn một trăm năm trước. Nhưng vào năm 1859, Thomas Austin, người Anh, đã mang 24 con thỏ châu Âu từ Anh đến Melbourne. Ban đầu, anh nghĩ rằng chúng có thể giúp thiên nhiên Úc trở nên "thịnh vượng", và cũng mang lại nhiều niềm vui hơn cho một số người thích săn bắn.

Tuy nhiên, Austin đã đánh giá thấp khả năng sinh sản của thỏ.

24 con thỏ này đã sinh sản một cách vô cùng nhanh chóng ở Úc. Trong 10 năm tiếp theo, người dân Úc có thể bắt được hàng triệu con thỏ mỗi năm. Thỏ rừng Úc cũng trở thành loài động vật có vú sinh sôi nhanh nhất trên thế giới.

Những con thỏ rừng Úc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và nền nông nghiệp địa phương. Để kiếm ăn, thỏ rừng đã ăn mất nhiều thảm thực vật, gây ra sự suy thoái đất trên diện rộng, xói mòn đất và làm tuyệt chủng các loài động vật có vú và thực vật bản địa nhỏ ở Úc.

Năm 1887, chính phủ Úc bắt đầu tập trung vào vấn đề quần thể thỏ, và chính phủ New South Wales thậm chí còn treo thưởng 25.000 bảng Anh cho ai có thể nghĩ ra cách làm thỏ rừng tuyệt chủng. Sau đó, họ đã nhận được 1.456 đề xuất. Nhiều phương pháp trong số này đã được mang ra thử nghiệm nhưng kết quả đều không như mong đợi.

Năm 1901, chính phủ Úc thành lập một Ủy ban Hoàng gia để tập trung giải quyết vấn đề thỏ rừng.

Năm 1933, nhà khoa học nổi tiếng người Úc là Dame Jean Macnamara đã đề xuất rằng virus myxoma có thể hữu ích.

Vào tháng 11/1937, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO) đã tiến hành thí nghiệm virus myxoma lên thỏ trên đảo Wardang, kết quả rất thành công, tỷ lệ gây chết của virus myxoma ở thỏ là 99,8%.

Năm 1950, chính phủ Úc quyết định sử dụng virus myxoma để quét sạch thỏ rừng. Ba tháng sau khi virus được tung ra, số lượng thỏ đã giảm hơn 99%, hàng trăm triệu con thỏ đã chết, ngành chăn nuôi và nông nghiệp của Úc đã có thời gian nghỉ ngơi.

Theo CSIRO, đây là lần đầu tiên con người sử dụng thành công phương pháp sinh học để kiểm soát số lượng một loài động vật có vú.

Một tai nạn đã xảy ra

Năm 1952, để loại bỏ những con thỏ khỏi khu đất rộng 300 ha của mình, bác sĩ người Pháp Paul-Félix Armand-Delille đã cấy virus myxoma vào hai con thỏ hoang dã.

Cũng như Austin không ngờ rằng 24 con thỏ mà anh ta thả ra sẽ gây hại cho toàn nước Úc, thì vị bác sĩ người Pháp cũng không thể ngờ rằng loại virus mà ông tung ra sẽ kết liễu đàn thỏ Tây Âu. Trong hai năm sau đó, tình hình nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát, virus myxoma ở thỏ đã lây lan như cháy rừng ở Tây Âu.

Năm 1953, virus myxoma ở thỏ đã lan sang Anh, khiến một lượng lớn thỏ bị chết và làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi ở Anh.

Sau khi nghe tin một số lượng lớn thỏ bị chết một cách khủng khiếp, Churchill, một người yêu thích thỏ, đã yêu cầu Bộ Nội vụ Anh chú ý đến vấn đề này, cố gắng biến sự lây lan của bệnh myxomatosis ở thỏ trở thành một tội ác.

Tuy nhiên, Ủy ban Cố vấn Myxomatosis do chính phủ Anh thành lập đã không bỏ phiếu thông qua đề xuất của Churchill.

Sau đại dịch thỏ, số lượng thỏ ở Pháp giảm 90-95%, ở Tây Ban Nha giảm 95% và ở Vương quốc Anh giảm 99%. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là vào tháng 6/1956, Bernard Dufay, Bộ trưởng Bộ Sông ngòi và Rừng của Pháp, đã trao tặng một huân chương kỷ niệm cho bác sĩ Armand-Delille vì công lao “đầu độc” của ông.

Điều gì không thể giết chết bạn sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn

Tuy nhiên, không giống như tình hình ở Úc, thỏ châu Âu là một phần quan trọng của chuỗi thức ăn, và việc thỏ chết trên diện rộng đã ảnh hưởng đến nhiều loài động vật khác. Sau đó, người dân châu Âu đã nhận ra điều này, nhưng lúc này số lượng đại bàng hoàng gia Tây Ban Nha (Aquila adalberti) và linh miêu Iberia (Lynx pardinus) đã sụt giảm mạnh, gần như đi đến bờ vực tuyệt chủng. Vì vậy, Liên minh Châu Âu đã đề xuất rằng để bảo tồn các loài động vật này thì cần tăng số lượng thỏ rừng.

Phải nói rằng, những gì không thể giết chết bạn sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Sau vài năm bệnh myxomatosis ở thỏ hoành hành, những con thỏ sống sót ở Úc và Châu Âu đã phát triển được một mức độ miễn dịch nhất định đối với căn bệnh này.

Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge và Viện Đa dạng sinh học và Nguồn gen Bồ Đào Nha đã công bố một nghiên cứu, cho thấy rằng dưới áp lực chọn lọc tự nhiên do virus myxoma ở thỏ gây ra trong gần 70 năm qua, thỏ ở Úc, Anh và Pháp đã trải qua những thay đổi tương tự trong ADN của chúng, và những thay đổi này khiến chúng có khả năng chống lại loại virus này tốt hơn.

Thanh Hương

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ tiêm virus vào hai con thỏ, không ngờ 90% thỏ cả nước đã chết