Ba Lan đề xuất dự luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên Internet

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Ba Lan tố cáo sự kiểm duyệt của Big Tech đối với mạng xã hội.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki vừa tuyên bố rằng Ba Lan sẽ đưa ra luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên Internet, đồng thời tố cáo Big Tech đang bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trên các nền tảng mạng xã hội. Lời chỉ trích của Thủ tướng được đưa ra sau khi các công ty truyền thông xã hội nổi tiếng cấm các tài khoản của Tổng thống Donald Trump trên Twitter, Facebook và Instagram.

Vào ngày 13/1, ông Morawiecki đã viết trên Facebook của mình rằng theo thời gian, Internet đã dần bị thống trị bởi các tập đoàn quốc tế coi hoạt động trực tuyến của mọi người như một nguồn thu nhập và một công cụ để tăng cường sức mạnh của họ. Ông Morawiecki nói thêm: “Họ cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn về tính đúng đắn chính trị của riêng mình, và họ chống lại những người có ý kiến trái ngược với họ".

Ông Morawiecki nói: “Việc thảo luận bao gồm trao đổi quan điểm, chứ không phải bịt miệng mọi người. Chúng ta không nhất thiết phải đồng ý với những gì đối thủ viết, nhưng cũng không thể cấm cản bất cứ ai bày tỏ quan điểm của họ - miễn là nó không trái với luật pháp”.

Thủ tướng cho biết, Ba Lan sẽ thông qua luật pháp quốc gia phù hợp để điều chỉnh hoạt động của Facebook, Twitter, Instagram và các nền tảng tương tự khác.

Epoch Times Photo
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu tại buổi hòa nhạc kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tử thần Auschwitz ở Berlin, Đức, vào ngày 27 tháng 1 năm 2020. (Wenzel - Pool / Getty Images)

Ông Morawiecki nói: “Mọi thứ không bị cấm thì đều được phép. Ngoài ra, trên Internet, không có sự khoan nhượng nào đối với việc kiểm duyệt, và sẽ không bao giờ có".

Người Ba Lan đã trực tiếp trải qua sự kiểm duyệt của nhà nước trong suốt 45 năm cai trị của chế độ cộng sản. Trong suốt thời kỳ đó, những gì họ nghĩ, nói hoặc viết đều bị nhà nước kiểm soát. Ông Morawiecki cho biết: "Đó là lý do tại sao chúng tôi rất quan tâm đến bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền tự do".

Trong một cuộc họp báo vào tháng 12/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro thông báo rằng Bộ của ông đang xem xét một đề xuất về các quy định mới nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên Internet và bảo vệ người dân trên mạng xã hội trước những thông tin sai lệch.

Trong một tuyên bố, thứ trưởng Bộ Tư pháp Sebastian Kaleta cho biết, luật được đề xuất sẽ ngăn các nền tảng truyền thông xã hội xóa bài đăng hoặc khóa tài khoản của người dùng nếu nội dung được đăng tải trên đó không vi phạm luật pháp Ba Lan.

Nếu nội dung của người dùng bị xóa hoặc tài khoản bị khóa, người dùng sẽ có quyền gửi khiếu nại tới nền tảng truyền thông xã hội, theo ông Kaleta. Đơn khiếu nại cũng có thể được gửi đến mạng xã hội nếu người dùng phát hiện một bài đăng vi phạm luật pháp Ba Lan. Người khiếu nại có thể yêu cầu chặn bài đăng đó.

Trong cả hai trường hợp, nền tảng sẽ phải giải quyết khiếu nại trong vòng 48 giờ. Nếu người dùng không hài lòng với cách giải quyết của nền tảng, họ sẽ có quyền khiếu nại lên một Tòa án chuyên trách mới về Bảo vệ Quyền Tự do Ngôn luận. Tòa án sẽ có nghĩa vụ xem xét vụ việc trong vòng bảy ngày và quá trình tố tụng sẽ hoàn toàn bằng điện tử.

Đề xuất cũng quy định rằng, bất kỳ ai có quyền cá nhân bị xâm phạm trên Internet bởi một người không rõ danh tính cũng có thể gửi khiếu nại lên tòa án. Nguyên đơn sẽ chỉ cần cung cấp cho tòa án URL (địa chỉ trang web) của trang web đã đăng tải nội dung xúc phạm, và tên người dùng hoặc ID người dùng.

Giải pháp này của Ba Lan đã được mang ra so sánh với các quy định quản lý ngôn luận trên Internet của Pháp và Đức. Các quy định ở các quốc gia này tập trung “vào việc nhanh chóng gỡ bỏ nội dung bị coi là vi phạm luật pháp của một quốc gia nhất định, chứ không phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận”, tuyên bố cho biết. Ví dụ: ở Đức, một khoản tiền phạt nặng có thể được áp dụng đối với một trang mạng xã hội vi phạm luật pháp, và Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ là người quyết định xem liệu một bài đăng có vi phạm luật pháp hay không.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Ba Lan đề xuất dự luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên Internet