Ai là người nuôi kẻ trộm? Điều mà nhiều người không ngờ đến

Giúp NTDVN sửa lỗi

‘Logic kẻ trộm’ bao hàm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, cái gì không hợp lý thì sẽ là ‘cơ hội’ để những thứ bất chính sinh tồn. Nó cho phép nhiều kẻ trộm cắp, kẻ gian, kẻ đầu cơ… có được cuộc sống giàu sang trong một xã hội rạn nứt.

Đây là câu chuyện được kể lại bởi một chủ doanh nghiệp người Trung Quốc, về chính trải nghiệm của bản thân và logic của một tên trộm.

Một ngày nọ, biển số xe của ông bị kẻ trộm lấy mất. Tên trộm đã để lại một mảnh giấy và dán lên cửa kính ô tô, rằng: "Thưa ông, tôi xin lỗi, tôi đã giấu biển số xe của ông. Nếu ông cho tôi 100 nhân dân tệ, tôi sẽ nói ra nơi giấu nó. Nếu không muốn có thêm rắc rối, hãy đặt 100 nhân dân tệ vào chỗ XX. Hãy nghe theo lời khuyên của tôi, điều này là hoàn toàn xứng đáng”.

Rõ ràng, lời đề nghị của tên trộm đã được tính toán kỹ lưỡng. Một người có khả năng mua được một chiếc xe hơi sẽ không quan tâm lắm đến 100 nhân dân tệ, bởi với họ số tiền này không quá lớn. Nhưng câu nói cuối cùng của tên trộm "hoàn toàn xứng đáng" đã khiến ông tức giận, ông cảm thấy rằng tên trộm đang ép buộc và ra lệnh cho mình.

Nếu ông làm theo những gì tên trộm nói, chẳng phải ông đang khuyến khích và ủng hộ những kẻ tống tiền sao?

Vì vậy, người chủ doanh nghiệp quyết định làm lại biển số xe thay vì làm theo lời tên trộm. Thế nhưng, chính quyết định của ông đã khiến ông bắt đầu một “hành trình dài” như... chạy marathon.

Văn phòng quản lý phương tiện xin cấp biển số xe cách nhà ông khoảng 1 tiếng đi xe tới đó. Ông phải đi tới đó 3 lần trong vòng một tuần mà vẫn chưa nộp được đơn xin cấp lại biển số. Nhân viên ở đó lần nào cũng nói, ông đã bỏ sót một giấy tờ nào đó và yêu cầu lần sau mang đến, lần sau thì lại thông báo vẫn thiếu một giấy tờ nào đó. Ông tức giận yêu cầu nhân viên cho ông biết tất cả loại giấy tờ cần mang theo gồm những gì, nhưng họ nóng nảy xua tay và bảo những người xếp hàng phía sau: "Tiếp theo, số 39".

Lúc này ông mới hiểu ra ý tứ của tên trộm trong câu: "nếu bạn không muốn tự rước lấy rắc rối".

Tưởng chuyện đơn giản nhưng nó không hề đơn giản chút nào. Thời gian, sức khoẻ, xăng xe và phí đi đường trong 3 lần đến văn phòng xin cấp lại biển số đã tiêu tốn hơn 100 nhân dân tệ.

Lần thứ ba người chủ doanh nghiệp đến trụ sở quản lý phương tiện, khi đang xếp hàng, một người đàn ông dáng vẻ gầy gò, tiều tụy đi tới, đưa cho ông một tờ danh thiếp và nói: “Thưa ông, tôi thấy ông đã tới đây lần thứ 3 rồi. Chắc hẳn mọi thứ không suôn sẻ. Nếu ông trả 150 nhân dân tệ, tôi sẽ hoàn tất thủ tục cấp biển số xe trong vòng một tiếng rưỡi. Ông chỉ cần nằm trong xe và chợp mắt. Hãy đợi cho đến khi tôi đưa biển số tới đánh thức ông dậy, được không?".

Trong lúc đang lưỡng lự, người đàn ông gầy gò nói thêm: “Một trăm năm mươi tệ, bao gồm tất cả phí trung gian, khi mọi việc xong xuôi, ông thanh toán cho tôi một lượt, chỉ tốn một trăm năm mươi tệ, hoàn toàn xứng đáng".

Nếu biết rằng mọi thứ rắc rối như vậy, vào thời điểm đó, cho dù tên trộm có đưa ra mức giá 150 tệ, ông cũng đồng ý. Tuy nhiên, câu nói cuối cùng “hoàn toàn xứng đáng” của người đàn ông gầy gò một lần nữa khiến ông tức giận.

Ông nghĩ, mình đã làm được một nửa việc, tại sao phải tốn thêm 150 nhân dân tệ nữa? Vì vậy, ông dứt khoát từ chối đề nghị của người đàn ông môi giới trung gian kia.

Sau bao lần vất vả, cuối cùng ông cũng nhận được giấy hẹn cấp lại biển số xe vào tuần thứ ba.

Trong khoảng thời gian này, ông cũng “năm lần bảy lượt” phải đến đồn cảnh sát giao thông đóng phạt vì chạy xe không có biển số. Không kể thời gian và sức lực, những chi phí ông đã phải bỏ ra gần hết 500 nhân dân tệ.

Lúc này, ông nghĩ đến lời đề nghị của tên trộm giấu mặt, trong lòng không khỏi hối hận. Người đàn ông kia đã nói đúng, nếu phải bỏ ra 100 nhân dân tệ theo lời đề nghị của kẻ trộm hoặc 150 nhân dân tệ để giải quyết trong một tiếng rưỡi, thì đó quả thực là "hoàn toàn xứng đáng".

Lời nói của tên trộm và người đàn ông làm môi giới kia là hoàn toàn có lý. Họ là những kẻ hiểu rõ đời sống xã hội Trung Quốc. Đây cũng là một bức tranh chân thực về Trung Quốc đại lục ngày nay.

Logic của kẻ trộm không hề vô lý

(Ảnh minh hoạ: Pixabay)
(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Câu chuyện của người chủ doanh nghiệp rõ ràng đã khiến chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc hơn, để rồi từ đó nhận ra chân lý:

Trong xã hội, nhiều kẻ trộm cắp, kẻ gian, kẻ đầu cơ, và những kẻ trung gian, môi giới đều dựa vào các quy định và luật lệ bất hợp lý, cũng như nhiều kẽ hở luật pháp khác để sinh tồn.

Theo logic thông thường, nếu mỗi chủ xe chỉ bỏ ra nửa tiếng và tốn mười nhân dân tệ để xin cấp biển số xe, thì làm sao những kẻ trộm và kẻ trung gian lại có thể tự tin buông lời rằng cái giá của họ là "hoàn toàn xứng đáng"? Chính vì có quá nhiều thủ tục bất hợp lý và phức tạp, đã làm ra những "kẽ hở săn mồi" cho một lượng lớn tội phạm lợi dụng.

Không chỉ những việc nhỏ như cấp lại biển số xe, mà còn các vấn đề về y tế, giáo dục, bất động sản, đường sắt, an sinh xã hội, hộ khẩu, kiểm tra chất lượng, thị trường chứng khoán.v.v. Nếu quy định, thủ tục của các cơ quan hành chính minh bạch, đơn giản và rõ ràng nhất, thái độ phục vụ thực sự như một công chức làm việc vì nhân dân, liệu những kẻ xấu đó có còn chỗ để sinh tồn?

"Logic kẻ trộm" nghe thì có vẻ vô lý, nhưng xem xét kỹ lưỡng nó không hề vô lý. Hóa ra, tên trộm mới là người hiểu rõ thực chất của sự việc. “Logic kẻ trộm” bao hàm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, cái gì không hợp lý thì sẽ có “cơ hội” để những thứ bất chính sinh tồn. “Logic kẻ trộm” cho phép nhiều kẻ trộm cắp, kẻ gian, kẻ đầu cơ, và những kẻ trung gian môi giới có được cuộc sống giàu sang trong một xã hội rạn nứt.

Cuối cùng, điều chúng ta không ngờ nhất là, thì ra, logic của kẻ trộm lại có lý đến vậy!

Huy Hải

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Ai là người nuôi kẻ trộm? Điều mà nhiều người không ngờ đến