‘Ai cần xin cứ lấy’: Tấm chân tình của vợ chồng tặng gạo mùa dịch, cho đi không phân biệt giàu nghèo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện đẹp của 2 vợ chồng phát gạo cứu người khó khăn mới đây được mọi người chia sẻ, ngợi khen. Trước cửa nhà họ đặt từng túi gạo nhỏ, kèm tấm biển: “Cần cứ lấy, mỗi người một túi, gạo 5kg/túi. Đối với những người khốn khổ vô gia cư đang dần kiệt quệ bởi không thể mưu sinh trong mùa dịch, thì đây là một đặc ân không nhỏ, không chỉ vì “của cho”, mà còn vì “cách cho” đầy nhân ái...

Sài Gòn những ngày “trở gió”, không chỉ bởi đại dịch Covid-19 đang hoành hành mà còn bởi những trận mưa lớn đầu mùa bất chợt kéo đến. Những người nghèo khó cũng chưa biết phải làm thế nào để vượt qua những tháng ngày khó khăn trước mắt.

Nhưng câu chuyện dưới đây đã thắp lên ngọn lửa hy vọng của “hơi ấm tình người”. Thấy bà con khốn khó, hai vợ chồng ở Sài Gòn đã đặt một chiếc bàn kính trước cửa nhà, để từng túi gạo nhỏ 5kg, kèm theo tấm biển: “Cần cứ lấy, mỗi người một túi, gạo 5kg/túi”. Mọi người đi qua dừng lại nhận gạo. Có cả những người đi xe đạp, xe máy, xe taxi.

Dù có hoàn cảnh ra sao, hai vợ chồng vẫn vui vẻ phát mà không dò hỏi, không phàn nàn. Thấy người bố chở em bé, anh chồng còn dặn chờ chút để lấy sữa cho cháu nhỏ. Chị vợ chạy vào nhà lấy sữa cho thêm.

Quả thật, từ thiện cốt là ở cái tâm. Tâm càng rộng lượng, lòng càng thanh thản bao dung, việc thiện nguyện vì thế mà có ý nghĩa hơn bội phần. Đó cũng là sự kỳ diệu của lòng tốt vậy!

Và như một cư dân mạng bình luận: “Nhìn chị vợ dễ mến quá, lúc nào cũng cười vui vẻ dù có mệt hay nắng nôi. Đúng là từ thiện cốt ở tâm, hãy như hai anh chị ấy, không phân biệt dù người ta giàu hay nghèo”.

Dù có hoàn cảnh ra sao, hai vợ chồng vẫn vui vẻ phát mà không dò hỏi, không phàn nàn (Ảnh: tổng hợp)
Dù có hoàn cảnh ra sao, hai vợ chồng vẫn vui vẻ phát mà không dò hỏi, không phàn nàn (Ảnh: tổng hợp)

Nỗi lòng người nghèo khó

Cái lạnh của Sài Gòn không se sắt, nhưng nỗi lòng của nhiều con người xa xứ mong kiếm “chén cơm” giữa chốn đô thị đang héo mòn từng ngày. Sài Gòn chưa bao giờ chật vật và vắng lặng đến vậy. Nhìn dòng người xếp hàng nối đuôi nhau xin cơm từ thiện, xin gạo, xin rau cứu đói mà nặng lòng.

Nhưng ở Sài Gòn cũng không thiếu tình người, không thiếu những người sẵn lòng sẻ chia và đồng cảm.

Có câu nói rằng: “Chúng ta chỉ là lữ khách trên chính hành trình của cuộc đời mình. Vậy nên, hãy học cách cho đi và đừng cầu mong hồi báo!

Thế nhưng, “cho đi và không cầu hồi báo” thì ai cũng có thể làm được. Nhưng “cho đi” mà không phán xét so đo thì không mấy ai có thể làm. Có khi nào chúng ta trao tặng điều gì đó cho người khốn khó với thái độ và cử chỉ “ban ơn”? Trao cho người khác điều gì đó nhưng lại “răn dạy” họ đủ điều?

Nếu đang làm từ thiện, xin đừng làm kẻ bề trên với người yếu thế, đừng khiến họ cảm thấy “xấu hổ” vì phận đời nghèo khó của mình.

Người nghèo cũng có lòng tự trọng! Nếu chúng ta đã có lòng cảm thông với những khốn khó của người khác và mong muốn giúp đỡ, thì cũng nên hiểu cho cả những tự ti, mặc cảm của họ.

“Thiện” chân chính là hoàn toàn nghĩ cho người khác, khi lòng tự tôn của họ bị tổn thương, thì liệu hộp cơm, ký gạo có khiến họ “ấm lòng”? Có mang đến cho họ hy vọng rằng “ngày mai sẽ tốt hơn”? Chẳng phải, làm từ thiện chính là mang đến hy vọng cho người khác sao?

Nhà văn Mark Twain đã từng nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”.

Hãy học cách ‘cho đi’

Nhưng “cho đi” cũng là một loại “văn hoá” mà chúng ta cần phải học. Bởi nó không đơn giản như “đưa cho ai thứ gì đó” khi họ cần, mà còn ở tâm thái và lòng thiện chân chính. Nghĩ cho nỗi đau khốn cùng của họ, như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lúc cảm thán rằng: “Hãy đau đớn đi. Biết đau nỗi đau của người khác và của chính mình là dấu hiệu của lòng nhân ái. Cái tín hiệu đó phát đi và mọi người nhận được”.

Chúng ta không thể đòi hỏi và không có quyền đòi hỏi người khác phải làm điều tốt như thế nào, nhưng nếu có thể sẻ chia - hãy làm mà không phán xét so đo.

Những ngày Sài Gòn thu mình lại trong cơn dịch bệnh ngoài kia, lang thang trên mạng sẽ không khó để bắt gặp những hình ảnh cả gia đình nấp né trú ngụ dưới mái hiên vì không đủ tiền đóng trọ. Người đàn ông bới rác kiếm chút gì bỏ bụng, hay hình ảnh cụ già dắt xe đạp đi xin gạo thổn thức xấu hổ vì bị “người ta xua tay đuổi đi”.

Khi lòng người lạnh nhạt thì những người khốn khó biết nương tựa vào đâu.

Có thể nói, lòng thương người là điều cơ bản nhất trong cuộc sống này. Nơi nào, người nào có hành động tốt đẹp, chia sẻ và lan tỏa yêu thương, thì tự nhiên nơi chốn ấy, người ấy được người đời yêu mến, ngợi khen.

Từ thiện là một nghĩa cử tốt đẹp biết nhường nào…

Đâu chỉ vì họ “sơn móng tay”, “đeo vàng bạc” là không giúp đỡ, chúng ta đâu hiểu được “khoản nợ” mà họ đang gồng gánh, nào có lòng tốt nào mà phân định rạch ròi đến vậy?

Hay khi thấy một cụ già đến nhận cơm, thì liền lên tiếng bảo ông kéo quần lên, và đừng “gãi sồn sột” như thế: “Cái bàn phát cơm của người ta là chốn linh thiêng mà ông làm không ra sao cả"...

Cái bàn phát cơm vốn không phải “chốn linh thiêng”, chốn linh thiêng ấy nằm ở trái tim ấm áp nghĩa tình, ở hành động không ngại gió mưa dịch bệnh ngoài kia mà vẫn lăn xả giúp người, cứu người. Sự linh thiêng ấy lẽ ra nằm ở việc chúng ta đang làm, chứ không phải ở hộp cơm manh áo. Đó mới là thiện và sự sẻ chia chân chính.

Người xưa từng nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng” ("Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn").

Tất nhiên, đây vẫn chỉ là những câu chuyện thiểu số. Trên hết vẫn luôn có những người thật sự mang thiện tâm của mình trao gửi khắp nơi, không câu nệ và dò xét. Đối với họ, việc thiện theo họ cả đời chứ không tính tháng kể ngày. Bất kể gió mưa tới đâu, khó khăn và nhọc nhằn đến mấy, họ vẫn muốn trao yêu thương và sẻ chia với những người khốn cùng khác.

Trong “bão giông” trước mắt, ta vẫn thấy đâu đó Sài Gòn “một chút bình yên”...

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

‘Ai cần xin cứ lấy’: Tấm chân tình của vợ chồng tặng gạo mùa dịch, cho đi không phân biệt giàu nghèo