6 nguyên tắc tài chính cơ bản mà cha mẹ nên dạy con trẻ ngay từ khi nhỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có sáu nguyên tắc tài chính cơ bản mà con bạn cần biết trước khi rời xa vòng tay chăm sóc của cha mẹ, và trở thành những con người trưởng thành biết chịu trách nhiệm cho bản thân.

Số 1: Cách con trẻ chi tiêu có thể ảnh hưởng đến tương lai của chính nó

Trẻ em cần được biết rằng nếu chúng tiêu tiền mà không suy nghĩ về lựa chọn của mình, chúng có thể sẽ đưa ra những quyết định sai lầm. Vì vậy, hướng dẫn con trẻ học cách dừng lại và suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ quyết định chi tiêu nào, sẽ giúp chúng rèn luyện được một tư duy chín chắn.

Số 2: Dạy trẻ thiết lập các mục tiêu sử dụng tiền bạc

Mục tiêu giống như một lộ trình. Nó cho biết bạn đang ở đâu và nơi bạn muốn đến. Khi đặt mục tiêu, hãy suy nghĩ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các mục tiêu ngắn hạn có thể liên quan đến ngày mai. Trung hạn có thể là vài tháng hoặc thậm chí một năm, và còn lại là các mục tiêu dài hạn.

Đây là một bí mật: Nếu bạn không thể viết ra rõ ràng những mục tiêu của mình, thì chúng không thể được gọi là các mục tiêu. Thay vào đó, chúng được xem như những giấc mơ trong tâm trí của bạn. Điều quan trọng là bạn phải hình thành thói quen viết ra các mục tiêu cho con trẻ và lập kế hoạch làm thế nào để đạt được chúng.

Số 3: Cách bạn chi tiêu ảnh hưởng trực tiếp đến con cái

Trẻ con có xu hướng học hỏi và hình thành các thói quen thông qua bắt chước người lớn nhiều hơn. Do đó, hành động của bạn có sức nặng nhiều hơn so với lời nói. Hãy để con trẻ được tận mắt chứng kiến cách bạn tiết kiệm tiền, cho người khác tiền và nói những từ như “dự thảo ngân sách” và “tiết kiệm”.

Thay vì nói: "Chúng ta không đủ khả năng chi trả", thì bạn nên nói rằng: "Chúng ta không chọn tiêu tiền theo cách đó". Hãy cho trẻ biết rằng bạn tiết kiệm trước, tiêu tiền sau và món nợ luôn là một “kẻ xấu xa”.

Số 4: Hiểu sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu

Đôi khi, không dễ để phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu. Nhu cầu là thứ cần thiết để duy trì cuộc sống, sức khỏe, sự an toàn hoặc để tuân thủ nghĩa vụ pháp lý. Thức ăn, chỗ ở, quần áo, thuốc men và đóng thuế là những nhu cầu. Nhưng nó có thể trở nên phức tạp một chút. Quần Jean hiệu Levi là nhu cầu hay mong muốn? Quần áo là một nhu cầu, nhưng phải trả rất nhiều tiền để có được một thương hiệu nhất định thì lại trở thành mong muốn.

Không có gì sai khi muốn mọi thứ. Đối với trẻ em, điều quan trọng là phải hiểu rõ một điều gì đó là nhu cầu hay mong muốn.

Số 5: Chi phí cơ hội là có thật

Những gì chúng ta từ bỏ khi đưa ra quyết định chi tiêu được gọi là “chi phí cơ hội”. Giả sử bạn có 5 đô la. Bạn có thể tiết kiệm hoặc chi tiêu. Nếu chọn chi tiêu, bạn chỉ có thể làm điều đó một lần. Bạn mất cơ hội để tiết kiệm nó và nhận được tất cả những lợi ích đi kèm với việc tiết kiệm. Mua một lần đó có xứng đáng với chi phí cơ hội không? Hướng dẫn trẻ rèn luyện trí não để tính toán chi phí cơ hội của mọi quyết định chi tiêu, và bạn sẽ nhận ra con trẻ bắt đầu đưa ra những lựa chọn tốt hơn với số tiền của mình.

Số 6: Không thể mua được tất cả, nhưng có thể có đủ

Mỗi ngày, chúng ta đều cần tự mình đưa ra quyết định và nhiều quyết định trong số đó liên quan đến tiền bạc. Hãy để con trẻ biết rằng khi chúng có thể chứng minh được bản thân có trách nhiệm với tiền bạc, chúng sẽ có nhiều thứ hơn để chăm lo. Dạy trẻ học cách đưa ra quyết định đúng đắn với tiền bạc ngay từ bây giờ sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này của chúng.

Hoàng Tuấn
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

6 nguyên tắc tài chính cơ bản mà cha mẹ nên dạy con trẻ ngay từ khi nhỏ