5 triệu trẻ em gái có thể sẽ ‘biến mất’ trong vòng 10 năm tới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một mô hình toàn cầu mới về tỷ lệ sinh đã ước tính rằng, 22 triệu trẻ em gái có thể bị "mất tích" trong dân số toàn cầu vào năm 2100. Và trong 10 năm tới sẽ có khoảng 5 triệu trẻ em gái “biến mất” do thực trạng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi.

Tạp chí Y học Vương quốc Anh (BMJ), vốn là một tạp chí uy tín trên thế giới, có lịch sử hơn 200 năm, vừa qua đã đăng tải một báo cáo nghiên cứu cho rằng: Theo ước tính, số trẻ em gái được sinh ra trên thế giới trong vòng 10 năm tới (đến năm 2030) sẽ giảm đi gần 5 triệu em. Đây được cho là hệ lụy của thực trạng lựa chọn giới tính thai nhi và định kiến “trọng nam khinh nữ” vẫn đang tồn tại và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Để dự báo tác động lâu dài của việc lựa chọn giới tính đối với xã hội, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích dữ liệu của 3,26 tỷ hồ sơ sinh từ 204 quốc gia trong 50 năm qua. Các tác giả tập trung vào 12 nước có tỷ lệ nam giới so với nữ giới gia tăng kể từ năm 1970, và 17 nước khác có thể có sự gia tăng tỷ lệ này do các xu hướng văn hóa hoặc xã hội, từ đó lập ra hai hướng để dự đoán:

  1. Hướng thứ nhất - giả định việc lựa chọn giới tính gia tăng dựa trên số liệu thống kê. Theo đó, kết quả được dự đoán là đến năm 2030 số trẻ em gái sinh ra trên thế giới ít đi 4,7 triệu em.
  2. Hướng thứ hai - giả định việc lựa chọn giới tính gia tăng ở một số nước dựa trên các xu hướng quan sát được và tỉ lệ sinh giảm, nhưng thiếu số liệu cụ thể. Theo đó, kết quả được dự đoán là đến năm 2100 số trẻ em gái sinh ra sẽ ít đi 22 triệu em.

Theo các nhà nghiên cứu ước tính, thì tổng số trẻ en gái “biến mất” từ năm 1970 đến năm 2017 là 45 triệu, 95% trong số đó 'mất tích' từ Trung Quốc, Ấn Độ và 10 quốc gia khác. Ít nhất một nửa trong số đó là do hệ quả của việc siêu âm giới tính, tiết lộ giới tính thai nhi và giúp phá thai chọn lọc giới tính trước khi sinh.

Khái niệm phụ nữ "biến mất" được hiểu là những bé gái đáng lẽ đã được sinh ra và lớn lên, nhưng người mẹ lại phá thai do ưu tiên chọn lọc giới tính. Tình trạng này thường xảy ra ở các quốc gia có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, và các dịch vụ siêu âm xác định sớm giới tính thai nhi và phá thai không được quản lý chặt chẽ.

Tư tưởng ‘trọng nam khinh nữ’

Mặc dù phá thai có thể được coi là một phần của nữ quyền, khi những người phụ nữ có quyền quyết định những gì xảy ra đối với cơ thể, sức khỏe và tương lai của họ. Nhưng việc chọn lọc giới tính khi phá thai đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư duy và các chuẩn mực cổ hủ của xã hội.

Chẳng hạn, phân biệt giới tính vốn là một vấn đề trên toàn thế giới, nhưng ở một số nền văn hóa, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã được “bám rễ” sâu và vẫn chưa thể nhổ ra khỏi đời sống. Những quan niệm chỉ có nam giới mới có thể làm việc, nối dõi tông đường hoặc chăm sóc cha mẹ già vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Á.

Tại một số quốc gia Đông Nam Châu Âu, phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử khi làm việc; nam giới được coi là lực lượng lao động cho gia đình, còn phụ nữ thì không. Thậm chí, phụ nữ cần có của hồi môn để kết hôn. Những kỳ vọng văn hóa này lên án phụ nữ là gánh nặng, dù đó không phải do lỗi của họ, đặc biệt là đối với các gia đình nghèo và đã sinh quá nhiều con gái. Tất cả đã dẫn đến hành vi chọn lọc giới tính khi sinh dẫn đến sự "biến mất" của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.

Hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính

Các nhà nghiên cứu còn cảnh báo rằng các quốc gia bị ảnh hưởng này sẽ phải gánh chịu những tác động xã hội và kinh tế chưa hề được biết đến. Tình trạng mất cân bằng giới tính có thể là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến gia tăng hành vi bạo lực và chống đối xã hội. Kết quả là ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài và sự phát triển xã hội bền vững.

Số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới khiến cho nhiều nam giới không thể kết hôn hoặc sinh con, vì không có đủ phụ nữ để họ làm bạn đời. Điều này dẫn đến sự gia tăng đáng lo ngại về sự cô đơn, cũng như sự gia tăng bạo lực, buôn bán phụ nữ và mại dâm.

Liên hợp quốc xác định những hành vi lựa chọn giới tính cùng với nạn tảo hôn và hủ tục cắt bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Nghiên cứu nói trên kêu gọi các nhà lập pháp của các nước và Liên hợp quốc cần thu thập dữ liệu đầy đủ hơn về những hành vi phá thai vì giới tính thai nhi, nhằm loại bỏ những hủ tục này. Đồng thời, triển khai các sáng kiến giáo dục và tuyên truyền rộng rãi hơn, nhằm thay đổi quan niệm về giới tính, nhất là những hành vi có hại như lựa chọn giới tính thai nhi; hoặc đưa các khuôn khổ pháp lý “rộng hơn” nhằm thiết lập bình đẳng giới.

Một số quốc gia được cảnh báo sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu như không thay đổi quan niệm về giới tính hoặc có những khuôn khổ pháp luật về bình đẳng giới tốt hơn bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Albania, Armenia, Azerbaijan, Nigeria, Pakistan, Ai Cập, Tanzania và Afghanistan...

Hoa Long

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

5 triệu trẻ em gái có thể sẽ ‘biến mất’ trong vòng 10 năm tới?