33.000 cửa hàng tại Nhật Bản có tuổi đời hàng thế kỷ, đâu là bí quyết?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhật Bản là quốc gia có nhiều thương hiệu lâu đời nhất thế giới, ví dụ như khách sạn Nishiyama Onsen Keiunkan ở Yamanashi được thành lập vào năm 705. Ngoài ra còn có cửa hàng tráng miệng Candy Ichimonjiya Wasuke, một công ty đặt trụ sở ở Kyoto có niên đại từ năm 1000. Hơn 33.000 cửa hàng đã tồn tại trong nhiều thế kỷ tại quốc gia này. Chúng được gọi là “shinise” hay “cửa hiệu lâu đời”. Vậy điều gì đã làm cho các công ty Nhật Bản trường tồn với thời gian?

Câu trả lời rất đơn giản: tôn trọng các yếu tố truyền thống; truyền lại doanh nghiệp từ thế hệ này sang thế hệ khác; duy trì khả năng cạnh tranh cốt lõi và đừng vội vã “đổi mới”.

“Tiệm Trà Tsuen Tea" nhìn ra một dòng sông lớn uốn lượn qua vùng ngoại ô bình lặng của cố đô Kyoto. Trong bối cảnh thành phố nổi tiếng với những ngôi đền chùa đẹp cổ kính, đây là một kiến trúc không mấy ấn tượng, chỉ là một nơi yên tĩnh để thưởng trà hoặc ăn kem.

Nhưng vẫn có một điều đặc biệt về Tsuen Tea: Nơi này đã được mở cửa từ năm 1160 và được tuyên bố là quán trà còn hoạt động cổ xưa nhất thế giới. Chủ sở hữu hiện tại là một người đàn ông Nhật Bản 38 tuổi tên Yusuke Tsuen, anh là thế hệ thứ 24 duy trì công việc kinh doanh này của gia đình. Yusuke Tsuen ngồi khoanh tay trên sàn và nói với phóng viên BBC: ”Chúng tôi chỉ tập trung vào các sản phẩm làm từ trà và không mở rộng phạm vi kinh doanh. Đây là lý do tại sao chúng tôi có thể tồn tại”.

Trà Tsuen ở Kyoto được xây dựng vào năm 1672.
Trà Tsuen ở Kyoto được xây dựng vào năm 1672. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-SA 4.0)

Tôn trọng tinh thần và văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác

Yusuke Tsuen nói rằng nhiều đồng nghiệp trong khu phố của anh cũng có truyền thống gia đình như vậy. Họ là những thế hệ trẻ nhất đảm đương công việc kinh doanh của gia đình. Đối với Yusuke Tsuen, lựa chọn tiếp nối sự nghiệp của cha ông là điều anh nghĩ đến từ khi còn bé.

Anh nói: “Đây không phải là một doanh nghiệp mới được tôi khởi nghiệp. Tôi đang điều hành một công việc mà tổ tiên của tôi để lại. Nếu tôi không kế thừa nó, di sản này sẽ biến mất. Từ khi học mẫu giáo và tiểu học, bất cứ khi nào giáo viên hỏi mơ ước của tôi là gì, tôi sẽ tự nhiên nghĩ đến việc tiếp tục điều hành cửa hàng của gia đình”.

Yoshinori Hara, Phó giáo sư tại Trường Quản lý kinh doanh thuộc Đại học Kyoto, đã từng làm việc tại Thung lũng Silicon trong một thập kỷ nhận xét rằng, việc các công ty Nhật Bản nhấn mạnh vào tính bền vững, thay vì chỉ nhanh chóng tối đa hóa lợi nhuận, là lý do chính tại sao có nhiều doanh nghiệp duy trì được sức mạnh qua thời gian. “Tại Nhật Bản, điều quan trọng hơn là cách chúng tôi để lại công ty cho hậu duệ của chúng tôi, cho các con, các cháu của chúng tôi”, ông Hara giải thích.

Xem thêm:

Các thành phố, thị trấn ở Nhật Bản đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, vì thế không quá bất ngờ khi có nhiều công ty lâu đời còn tồn tại. Nhưng theo Giáo sư Innan Sasaki tại Đại học Warwick (Anh) thì còn có những lý do khác.

“Nhìn rộng hơn, chúng ta có thể nói rằng do nền văn hóa tôn trọng truyền thống và tổ tiên, kết hợp với thực tế Nhật Bản là một đảo quốc, tương đối ít tương tác với các quốc gia khác, khiến người dân có xu hướng duy trì lâu dài những sản phẩm dịch vụ truyền thống ở địa phương”.

Duy trì hoạt động đặc biệt và tập trung vào dịch vụ khách hàng

Điều quan trọng là phải chú tâm và duy trì các dịch vụ và sản phẩm đặc trưng của cửa hàng, đó là “năng lực cạnh tranh cốt lõi”. Sản phẩm truyền thống là thế mạnh để các cửa hàng Nhật Bản phát triển lâu dài.

Tiệm Trà Tsuen trong hàng trăm năm qua chỉ tập trung kinh doanh các sản phẩm trà của riêng mình. Nó không mở rộng phạm vi sản phẩm và cũng không bao giờ nới lỏng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Do đó, luôn có một lượng khách hàng cũ trung thành và khách hàng mới tìm đến tiệm trà - những người đặc biệt yêu thích các sản phẩm truyền thống và dịch vụ chất lượng cao.

Sản phẩm truyền thống cũng làm cho các cửa hàng Nhật Bản phát triển lâu dài.
Sản phẩm truyền thống cũng làm cho các cửa hàng Nhật Bản phát triển lâu dài. (Ảnh: Pixabay)

Ở Kyoto, nhiều doanh nghiệp lâu đời khác cũng vận dụng nguyên tắc kinh doanh này để phát triển, đặc biệt là hoạt động kinh doanh nhà trọ. Các nhà trọ truyền thống của Nhật Bản đối xử với khách hàng như gia đình. Họ luôn cố gắng dự đoán những gì khách hàng cần vì điều đó thúc đẩy kinh doanh bền vững.

Gia đình Akemi Nishimura đã điều hành nhà trọ Kyoto Hiiragiya trong 6 thế hệ. Hiiragiya mới kỷ niệm 200 năm thành lập vào năm 2018 và họ đã từng chào đón những vị khách đặc biệt như Charlie Chaplin và Louis Vuitton. "Kết nối từ trái tim đến trái tim - đó là điều hay nhất của nhà trọ", bà Akemi nói. Tại Kyoto Hiiragiya, một cuốn cẩm nang có từ 80 năm trước đã trình bày chi tiết về cách vận hành nhà trọ, đề cập đến những việc cần làm với một chiếc khăn tay của khách: Cách giặt, gấp đúng cách và trả lại…

Năng lực cốt lõi là khái niệm cơ bản đằng sau những gì một công ty tạo ra, giúp công ty tồn tại ngay cả khi thế giới đang đổi mới và phát triển theo xu hướng hiện đại.

Ưa chuộng truyền thống hơn đổi mới

Đổi mới và khởi nghiệp là những mô hình kinh doanh phổ biến ở phương Tây. Tuy nhiên, trong văn hóa Nhật Bản, người dân lại công nhận và trung thành với các “cửa hiệu lâu đời” hơn là mô hình công ty sáng tạo.

Chủ cửa hàng trà Tsuen Yusuke Tsuen nói: “Tôi đã được sinh ra ở đây. Tổ tiên của tôi khởi nghiệp và điều hành tiệm trà này, và bây giờ tôi tiếp quản. Mục tiêu của tôi không phải là mở rộng hoạt động hay biến nó thành một công ty quốc tế. Điều quan trọng nhất là tiếp tục dùng các phương pháp gia đình truyền thống để duy trì công việc kinh doanh của tổ tiên”.

Truyền thống là "mạch sống" của người dân Nhật Bản, bỏ đi truyền thống nghĩa là bỏ đi cội nguồn của mình. Nguyên lý này đã đi theo người Nhật Bản qua nhiều thế kỉ, giúp "khắc hoạ" nên một dân tộc cần cù, chăm chỉ và tôn trọng những giá trị thực.

Từ Tịnh
Tham khảo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

33.000 cửa hàng tại Nhật Bản có tuổi đời hàng thế kỷ, đâu là bí quyết?