10 thói quen giúp phát triển tư duy logic và giá trị đạo đức chân chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong xã hội hiện đại ngày nay, người thông minh thường được cho là biết cách sử dụng mánh khóe và ngôn từ xảo biện, tuy nhiên, điều này khác xa tư duy logic - vốn lấy bản chất chân thật nhất làm nền tảng để phát triển tính hợp lý của một người...

Việc trở thành một người có tư duy logic không dễ dàng hay đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Không phải chỉ bằng cách ghi nhớ và áp dụng các công thức, hoặc học cách nói và suy luận một cách hợp lý, điều này đòi hỏi một quá trình hình thành các thói quen và kỹ năng liên quan đến việc phát huy trí tuệ, nhân cách mỗi con người. Mặc dù việc này không quá phức tạp, chúng ta vẫn cần nhiều năm học tập, trau dồi và trải nghiệm để có thể hình thành được các thói quen và kĩ năng logic.

Có câu nói rằng: “Cũng như một bước chân đơn độc không thể tạo nên đường mòn trên mặt đất, một ý nghĩ đơn độc không thể tạo nên con đường của tư duy. Để xây dựng con đường hằn sâu xuống đất, chúng ta phải đi qua lại rất nhiều lần. Để xây dựng con đường hằn sâu trong trí óc, chúng ta phải nghĩ đi nghĩ lại loại ý nghĩ chúng ta muốn chi phối cuộc đời mình”.

Trong cuốn sách Being Logical: A Guide to Good Thinking (Tạm dịch: Trở thành người tư duy logic: Hướng dẫn tư duy đúng) của giáo sư triết học nổi tiếng D.Q.McInerny, ông đã đưa ra 10 thói quen một người cần luyện tập và hình thành để có tư duy rõ ràng và hiệu quả:

1) Tỉ mỉ và chu đáo

Trong cuốn sách của mình, giáo sư McInerny đã viết: “Nhiều sai lầm trong lý luận là do chúng ta không chú ý đầy đủ đến tình huống đang xảy ra”. Do đó, để phát triển tư duy logic, chúng ta cần hình thành thói quen chú ý đến các chi tiết, ngay cả trong những tình huống quen thuộc, như vậy ta sẽ tránh được việc đưa ra một phán đoán bất cẩn.

để phát triển tư duy logic, chúng ta cần hình thành thói quen chú ý đến các chi tiết, ngay cả trong những tình huống quen thuộc, như vậy ta sẽ tránh được việc đưa ra một phán đoán bất cẩn.
Để phát triển tư duy logic, chúng ta cần hình thành thói quen chú ý đến các chi tiết, ngay cả trong những tình huống quen thuộc, như vậy ta sẽ tránh được việc đưa ra một phán đoán bất cẩn. (Ảnh: Shutterstock)

2) Tập trung vào bản chất chân thực của sự việc

Đối với một sự việc cụ thể, nếu đó là một tồn tại thực tế mà chúng ta có thể tiếp cận, cách tốt nhất để biết được tính chân thực của nó là thu thập bằng chứng trực tiếp, thông qua việc tiếp cận trực diện điều đó. Nếu chúng ta không thể có được bằng chứng trực tiếp, chúng ta phải kiểm tra chặt chẽ tính xác thực và độ tin cậy của bất kỳ bằng chứng gián tiếp nào mà chúng ta sử dụng, như vậy chúng ta mới có thể tự tin thiết lập tính thực tế và chân thực của sự việc trên cơ sở các bằng chứng gián tiếp đó.

3) Có các ý tưởng rõ ràng

Ý tưởng là phương tiện cho con người tìm hiểu thế giới một cách khách quan. Khi có các ý tưởng rõ ràng, chúng ta sẽ có được phản ánh trung thực về thế giới, ngược lại, nếu “bám vào” các ý tưởng không rõ ràng, chúng ta sẽ có cái nhìn sai lệch. Người có tư duy logic cần liên tục thử nghiệm các ý tưởng của mình để đảm bảo có được sự mô tả chính xác về các đối tượng hướng đến.

4) Chú ý đến nguồn gốc của các ý tưởng

Người logic sẽ biết ý tưởng nào của mình dựa trên những điều thực sự tồn tại trên thế giới. Chẳng hạn, một người logic biết rằng ý tưởng về một chú mèo tương ứng với thứ được gọi là mèo trong thế giới hiện thực. Một ví dụ đối lập khác: rất nhiều người có ý tưởng rằng đã từng có một nữ giáo hoàng tên là Joan trong Thế kỷ thứ 9. Nhưng nếu họ xem xét nguồn gốc của ý tưởng đó, họ sẽ thấy rằng điều đó được các nhà sử học đánh giá là một truyền thuyết.

Người có tư duy logic cần liên tục thử nghiệm các ý tưởng của mình để đảm bảo có được sự mô tả chính xác về các đối tượng hướng đến.
Người có tư duy logic cần liên tục thử nghiệm các ý tưởng của mình để đảm bảo có được sự mô tả chính xác về các đối tượng hướng đến. (Ảnh: Shutterstock)

5) Liên hệ ý tưởng với thực tế

Giáo sư McInerny viết: “Để tránh việc ý tưởng của tôi trở thành một sản phẩm của chủ nghĩa duy tâm thuần túy, trong trường hợp không thể trao đổi với người khác, tôi phải liên tục tiếp cận nhiều thực tế tồn tại trong thế giới khách quan làm cơ sở của ý tưởng đó”.

Điều này rất dễ thực hiện đối với những ý tưởng có sự tương ứng với những thứ trong thế giới hiện thực (ví dụ như ý tưởng của tôi về một con mèo tương ứng với một con mèo trong thực tế). Tuy nhiên, sự liên hệ này không dễ dàng khi chúng ta có những ý tưởng phức tạp, ví như: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hay chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa tự do. Để những ý tưởng này có cơ sở đúng đắn, chúng ta cần liên kết với những điều cụ thể mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được.

6) Tìm từ diễn đạt đúng ý tưởng

Chúng ta chỉ có thể truyền đạt ý tưởng của mình cho người khác nếu chúng ta sử dụng các từ mô tả chính xác những ý tưởng đó. Tuy nhiên, việc tìm đúng từ để truyền đạt có thể không dễ. Khi chúng ta thấy khó tìm được các từ phù hợp, hãy quay lại xem xét nguồn gốc của ý tưởng.

Làm thế nào chúng ta đảm bảo rằng các ngôn từ được chúng ta sử dụng truyền đạt đúng ý tưởng của bản thân? Về cơ bản, nó giống như một quy trình xác nhận sự rõ ràng và đúng đắn của các ý tưởng, đó là chúng ta phải quay lại xem xét nguồn gốc của các ý tưởng. Thông thường, chúng ta không thể đưa ra từ đúng cho một ý tưởng bởi vì chúng ta không hiểu ý tưởng đó. Khi làm rõ ý tưởng bằng cách kiểm tra nguồn gốc của nó trong thế giới khách quan, chúng ta sẽ tìm ra được từ đúng.

7) Giao tiếp hiệu quả

Tư duy logic thực chất là việc xác định một kết luận là đúng hay sai. Nếu một người yêu cầu bạn đưa ra tính xác thực của một kết luận, bạn cần truyền đạt cho họ một cách rõ ràng.

McInerny cung cấp các nguyên tắc về truyền thông rõ ràng:Đừng tự cho rằng người nghe có thể hiểu bạn nếu bạn không nói rõ ràng. Bạn nên dùng các câu hoàn chỉnh để diễn đạt. Bạn không nên xem các kết luận mang tính đánh giá (ví dụ: Đó là một tác phẩm nghệ thuật tồi tệ) là những tuyên bố về thực tế khách quan. Bạn cần dùng ngôn ngữ phù hợp với trình độ của người nghe”.

Đừng tự cho rằng người nghe có thể hiểu bạn nếu bạn không nói rõ ràng. Bạn nên dùng các câu hoàn chỉnh để diễn đạt
Đừng tự cho rằng người nghe có thể hiểu bạn nếu bạn không nói rõ ràng. Bạn nên dùng các câu hoàn chỉnh để diễn đạt. (Ảnh: Shutterstock)

8) Tránh sử dụng ngôn ngữ mơ hồ và gây hiểu lầm

“Vague” và “ambiguous” trong tiếng Anh (tạm dịch: “Mơ hồ” và “gây hiểu lầm”) là hai từ có nguồn gốc từ tiếng Latin có nghĩa là “wandering” (tạm dịch: “đi lang thang”) . Hai từ này để nói về việc các ý tưởng lòng vòng, không rõ ràng, không chắc chắn. Một người có tư duy logic sẽ sử dụng ngôn ngữ chính xác để người nghe hiểu đúng những gì được nghe và có thể đánh giá đầy đủ sự thật qua những kết luận của người nói. Khi nói đến các thuật ngữ phức tạp hơn, chẳng hạn như quyền tự do hay quyền bình đẳng, người nói cần diễn đạt cụ thể hơn bằng các hiểu biết của bản thân về các thuật ngữ đó.

9) Tránh sử dụng ngôn ngữ thể hiện sự thoái thác, lảng tránh

Giáo sư McInerny cho biết thêm: “Ngôn ngữ lảng tránh nghĩa là không thể hiện trực tiếp ý tưởng của người nói hoặc người viết. Ngôn ngữ lảng tránh sẽ dẫn đến hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là: loại ngôn ngữ này có thể đánh lừa người đọc hoặc người nghe. Vấn đề thứ hai là: loại ngôn ngữ này có thể gây ảnh hưởng xấu đến những người sử dụng nó, làm sai lệch ý thức về thực tế của bản thân họ. Người dùng định hình ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ cũng định hình người dùng. Nếu chúng ta liên tục sử dụng ngôn ngữ bóp méo hiện thực, chúng ta có thể tin vào ngôn từ vòng vèo của chính mình”.

10) Tìm kiếm bản chất của sự vật

Theo giáo sư McInerny, mục đích của tính logic là tìm kiếm bản chất của sự vật. Ông giải thích rằng có hai hình thức cơ bản của sự thật: sự thật về bản thể, là những gì thực sự tồn tại và có thực thể; và sự thật logic, đó là sự thật của kết luận. Ông viết: “Điều quyết định tính xác thực của một kết luận là thực tế tồn tại trong thế giới thực. Nói cách khác, sự thật logic được thiết lập dựa trên sự thật bản thể”.

Suy nghĩ logic không phải là một tài năng bẩm sinh, mà là thứ bạn có thể học hỏi và thực hành, không phải xuất phát từ quan điểm riêng của mình, mà từ bản chất chân thật của sự việc. Khi khả năng suy nghĩ hợp lý của một cá nhân càng mạnh mẽ thì kỹ năng học tập của họ càng trở nên tốt hơn.

Hầu hết các trải nghiệm trong suốt cuộc đời chúng ta là một loại bài tập logic, điều quan trọng là đừng để nó biến thành trò “chơi chữ” của ngôn từ. Thật ra, tư duy logic thật sự sẽ gắn bó với giá trị đạo đức chân chính của chúng ta, bắt nguồn từ bản tính thiện lương, chân thật của mỗi người, với cái nhìn khoáng đạt, khách quan và bao dung hết thảy sự vật, sự việc xung quanh.

Nguyễn Minh (biên dịch)

Tác giả: Dan Latier

Theo theepochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

10 thói quen giúp phát triển tư duy logic và giá trị đạo đức chân chính