Văn hóa truyền thống (P-3): Chính khí hạo nhiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có người bạn hỏi: "Người hiện đại thiếu cái gì nhất?" Tôi trả lời: "Chính khí hạo nhiên"...

Trong nền văn minh văn hóa truyền thống, người xưa đã đề xướng "nuôi dưỡng chính khí hạo nhiên", làm "đại trượng phu" đầu đội trời, chân đạp đất, "phú quý không làm cho mê hoặc được, nghèo khổ không làm cho thay đổi được, uy vũ không thể khuất phục được"; Giữa ba quân có thể đoạt soái nhưng dẫu kẻ thất phu cũng không thể đoạt được chí"; Một thân chính khí làm thầy, tay áo thanh phong sinh uy"; "Không cần người đời ca ngợi, chỉ lưu chính khí khắp càn khôn".... Loại chính khí hạo nhiên này là cội nguồn quan trọng của khí chất phương Đông đã sừng sững trên thế giới mấy nghìn năm nay.

Mạnh Tử, triết gia phương Đông 2400 năm trước đã luận thuật rất tinh tế sâu sắc về vấn đề này. Có người hỏi Mạnh Tử: "Thưa tiên sinh, ngài giỏi về cái gì?"

Mạnh Tử trả lời rằng: "Tôi giỏi nuôi dưỡng cái khí hạo nhiên".

Vậy khí hạo nhiên là gì? Mạnh Tử nói: "Cái khí hạo nhiên này là chính đại quang minh nhất, là rắn chắc mạnh mẽ nhất, dùng chính trực để bồi dưỡng nó và không gây tổn hại nó thì nó sẽ lấp đầy giữa trời đất. Cái khí hạo nhiên này tương xứng hợp với nghĩa và Đạo. Nếu mất đạo nghĩa thì cái khí này cũng sẽ theo đó mà mất đi. Cái khí hạo nhiên này phải dựa vào đạo nghĩa hành xử lâu dài thì mới có thể bồi dưỡng được, tuyệt đối không phải ngẫu nhiên làm việc nghĩa mà thành được".

Như vậy khí hạo nhiên này dưỡng thành quả không dễ dàng, nhưng phá hoại nó thì lại rất đơn giản, chỉ cần tâm bất chính là lập tức hết ngay.

Chính khí hạo nhiên có thể làm được: "Tâm chính, thân chính, tả hữu chính, triều đình chính, thiên hạ chính".

Đường Thái Tông, vị vua được ngợi ca là "Thiên cổ nhất đế" chính là trường hợp điển hình. Đường Thái Tông thờ Trời trọng Đạo, tu thân dưỡng đức, dùng đồng làm gương để chỉnh ngay ngắn mũ áo, dùng sử làm gương để biết rõ lẽ thịnh suy tồn vong, dùng người làm gương để thấy rõ được mất. Ông tận mắt thấy sự hưng vong của triều Tùy, thường lấy Tùy Dương Đế, vị vua vong quốc để làm tài liệu phản diện, để cảnh giới bản thân và quần thần, phải khắc kỷ phụng công, liêm khiết tự giác, đi theo con đường chính đạo quang minh.

Đường Thái Tông thờ Trời trọng Đạo, tu thân dưỡng đức, dùng đồng làm gương để chỉnh ngay ngắn mũ áo, dùng sử làm gương để biết rõ lẽ thịnh suy tồn vong, dùng người làm gương để thấy rõ được mất.
Đường Thái Tông thờ Trời trọng Đạo, tu thân dưỡng đức, dùng đồng làm gương để chỉnh ngay ngắn mũ áo, dùng sử làm gương để biết rõ lẽ thịnh suy tồn vong, dùng người làm gương để thấy rõ được mất. (Ảnh: Wikipedia)

Đường Thái Tông ở nơi cao trên miếu đường nhưng lòng gắn liền với bách tính lê dân, thường suy nghĩ "nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền". Ông khiêm tốn hạ mình, cẩn thận ghi chép giáo huấn xưa: "Người trái ngược ta là người thầy của ta, kẻ thuận theo ta là kẻ thù của ta". Ông nghe được các ý kiến bất đồng, và cả ý kiến phản đối. Ông có huệ nhãn nhận biết người, giỏi phép dùng người. Triều đình khắp từ trên xuống dưới, nhân tài nhiều vô số, ai nấy đều được sử dụng hết tài năng. Gặp những năm thiên tai nhân họa, ông luôn luôn trước tiên trách tội bản thân, kính Trời cầu Thần, đại xá thiên hạ.

Các chính sách thời bấy giờ của Đường Thái Tông khiến bách tính an cư lạc nghiệp, xã tắc ổn định an hòa, thiên hạ thái bình, bốn cõi thuần phục; kinh đô Trường An khi ấy giống như New York của Mỹ ngày này, là nơi đô hội lớn của thế giới.

"Chín tầng điện ngọc mở toang,
Vạn quốc sứ tiết y quan bái chầu"...

Đây chính là bức tranh tả thực sứ tiết các nước năm xưa từ bốn phương tám hướng đến Trường An triều bái Đường Thái Tông. Bởi vì đức ân trạch đến khắp vùng Tây Vực và vùng Bắc Hoang, Đường Thái Tông được các nước đó tôn xưng là Thiên Khả Hãn (vua Trời).

Một câu chuyện thể hiện rõ nhất Đường Thái Tông "tâm chính khiến cho thiên hạ chính" là giao ước giữa ông và 390 người tử tù. Tháng chạp năm Trinh Quán thứ 7, Thái Tông thị sát đại ngục triều đình. Trong đại lao có 390 phạm nhân bị xét xử tử hình, đang chờ phê chuẩn chấp hành án tử hình. Những tử tù này đều đã trải qua trình tự 3 lần tấu và 5 lần tấu, đều là những tội không thể tha thứ, chết cũng không oan. Nhưng Đường Thái Tông khi thẩm tra thì sinh lòng từ bi, lệnh cho họ được trở về nhà ăn Tết đoàn tụ, đợi đến mùa thu năm sau trở lại xử trảm. Lệnh này ban ra, những tử tù vui mừng quá đỗi, cảm ân đội đức. Mồng 4 tháng 9 năm sau, 390 người này đến đúng hẹn, không một ai bỏ trốn. Bởi vì các tử tù đều giữ chữ tín thực hiện cam kết nên cuối cùng toàn bộ đã được xá tội.

Nuôi dưỡng chính khí hạo nhiên có thể làm được: "Núi Thái Sơn đổ trước mặt mà không biến sắc". Thừa tướng Nam Tống là Văn Thiên Tường binh bại bị bắt làm tù binh, bị cầm tù 3 năm 2 tháng. Trong thời gian đó nhà Nguyên đã dùng trăm phương ngàn kế để khuyên hàng, ép hàng, dụ hàng Văn Thiên Tường, hứa hẹn những điều kiện ưu đãi hậu hĩ, thời gian chờ đợi kéo dài, khảo nghiệm đều vượt qua các đại thần khác của nhà Tống. Văn Thiên Tường đã trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, ý chí kiên định, cũng hiếm có trong lịch sử. Nhưng ông thề chết không khuất phục, cuối cùng đã khảng khái tuẫn nghĩa ở tuổi 47. Trong y phục của ông có bài văn rằng: "Khổng Tử nói thành nhân, Mạnh Tử nói thủ nghĩa, chỉ có trung nghĩa tột bậc thì mới làm được nhân. Đọc sách Thánh hiền, học được những gì? Từ nay về sau có thể nói là không hổ thẹn với lòng mình rồi".

"Khổng Tử nói thành nhân, Mạnh Tử nói thủ nghĩa, chỉ có trung nghĩa tột bậc thì mới làm được nhân. Đọc sách Thánh hiền, học được những gì? Từ nay về sau có thể nói là không hổ thẹn với lòng mình rồi".
Khi chết, trong túi áo của Văn Thiên Tường có lưu lại mấy dòng chữ: "Khổng Tử nói thành nhân, Mạnh Tử nói thủ nghĩa, chỉ có trung nghĩa tột bậc thì mới làm được nhân. Đọc sách Thánh hiền, học được những gì? Từ nay về sau có thể nói là không hổ thẹn với lòng mình rồi". (Ảnh: Wikipedia)

Trong ngục, Văn Thiên Tường đã viết bài "Chính khí ca" chấn động, tỏa sáng cổ kim:

"Trời đất có chính khí
Toả ra cho muôn loài
...
Khi ấy tràn ngập tới
Oai nghiêm muôn thuở còn
Khi đã vượt nhật nguyệt
Sống thác chuyện con con!
Khuôn đất nhờ đó vững
Cột trời nhờ đó còn
Ba giường được gìn giữ
Đạo nghĩa có gốc nguồn".
(Bản dịch của Hoàng Tạo).

Ông còn viết bài thơ "Quá linh đinh dương" tiếng thơm muôn thuở. Trong đó câu "Đời người tự cổ ai chẳng chết, giữ tấm lòng son chiếu sử xanh" (nguyên văn: "Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh") đã ảnh hưởng khích lệ biết bao nhiêu người bao nhiêu thế hệ vì đại nghĩa vào sinh ra tử.

Vua Càn Long đã đánh giá Văn Thiên Tường rằng: "Lòng trung thành không thể xuất phát từ sự kích động nhất thời mà được bồi đắp khích lệ lâu dài, cái khí hạo nhiên ấy sáng cùng nhật nguyệt. Thế nên những chí sĩ, người nhân đức muốn đưa đại nghĩa ra thiên hạ thì không bị động tâm bởi thành bại hiền ngu".

Nuôi dưỡng chính khí hạo nhiên có thể làm được: “Để khuông phò chính nghĩa kéo con sóng cuồng điên đảo”. Đệ nhất nghĩa sĩ đời Đường là Trương Tuần, khi triều Đường nguy nan đã lấy một chống vạn, giữ một thành mà bảo vệ được thiên hạ, đã giúp nhà Đường kéo dài thêm 100 năm.

Ngày 16-12-755 An Lộc Sơn khởi binh, đến ngày 17-02-763 Sử Triều Nghĩa tự sát, loạn An Sử kéo dài 7 năm 2 tháng đã đem đến vô số tai nạn cho triều Đường, trong đó chiến dịch Tuy Dương là khốc liệt nhất. Tướng nhà Đường giữ thành là Trương Tuần trong tình trạng bên trong không có lương thảo, bên ngoài không có viện binh, với chưa đến 7000 binh sĩ đã chống lại trên 10 vạn quân phản loạn, cố thủ kéo dài 10 tháng, sau đó thành bị phá, ông bị bắt làm tù binh, thề chết không đầu hàng, cuối cùng bị quân phản loạn sát hại. 7 ngày sau khi phá được thành thì Tuy Dương được quân nhà Đường thu phục. 10 ngày sau quân Đường tổ chức đại phản công, Quảng Bình Vương Lý Thục đã thu phục được Lạc Dương.

Cuộc chiến Tuy Dương theo sử sách ghi chép tổng cộng có trên 400 trận chiến lớn nhỏ, chém đầu trên 300 tướng phản loạn, tiêu diệt trên 10 vạn quân địch. Do Trương Tuần cố thủ đã ngăn cản quân phản loạn tràn xuống phía Nam, khiến cho một khu vực rộng lớn trù phú là lưu vực sông Trường Giang và Hoàng Hà được bảo toàn, giữ được vùng đất chiến lược cho triều Đường, đồng thời đã kiềm chế lượng lớn quân phản loạn, dành thời gian quý báu cho quân Đường tổ chức phản công chiến lược.

Tranh vẽ Trương Tuần - Vị tướng có công lớn trấn giữ thành, kiềm chế quân phản loạn, giúp nhà Đường có thời gian tập hợp quân để phản công chiến lược.
Tranh vẽ Trương Tuần - Vị tướng có công lớn trấn giữ thành, kiềm chế quân phản loạn, giúp nhà Đường có thời gian tập hợp quân để phản công chiến lược. (Ảnh: Wikipedia)

Sau khi Trương Tuần chết, Đường Túc Tông xuống chiếu truy phong ông làm Đại đô đốc Dương Châu, phong cho vợ Trương Tuần là Thân Quốc Phu nhân, ban tặng 100 súc lụa, phong con trai Trương Tuần là Trương Á Phu làm Kim Ngô Đại tướng quân, miễn cho dân Tuy Dương lao dịch, binh dịch 2 năm. Những năm Đại Trung vua cho đưa tranh chân dung Trương Tuần vào Lăng Yên Các. Từ đó về sau, các triều đại đều gia phong cho Trương Tuần. Người đời sau có thơ ca ngợi Trương Tuần rằng:

"Trăm rèn tâm kim cương,
Ngàn luyện cốt đại nghĩa.
Ứng biến xuất thần kỳ,
Gió mây như thoáng chốc.
Tay che chắn Trường Hoài,
Khí nuốt quân phản nghịch.
Đạo Trời và nhân luân,
Muôn đời không loạn bậy".

Chính khí hạo nhiên làm thế nào mới nuôi dưỡng thành? Đại Nho đời nhà Minh là Vương Dương Minh đã viết trong cuốn Truyền tập lục như sau: một lần đệ tử của Vương Dương Minh là Lục Trừng hỏi ông rằng: "Có người đêm tối sợ ma quỷ, làm thế nào?"

Vương Dương Minh nói: "Đó chỉ vì anh ta ban ngày không thể 'thu thập nghĩa' nên tâm có khiếm khuyết, do đó mới sợ. Nếu ban ngày mọi hành vi đều hợp với Thần linh thì có gì phải sợ?"

Nghĩa quan trọng nhất của chính khí hạo nhiên là hợp với Thần linh. Trong dân gian thường nói: "Trên đầu 3 thước có Thần linh". Chính là nói Thần không ở đâu là không có, không lúc nào là không có. Chỉ cần chúng ta tín Thần, kính Thần, sùng bái Thần thì nhất tư nhất niệm, nhất ngôn nhất hành của chúng ta đều hợp với luân lý đạo đức mà Thần đã quy phạm cho con người, Thần sẽ phú cho chúng ta đại dũng rợp trời. Chúng ta có thể làm được một thân chính khí thì không sợ ma quỷ, không tin theo tà.

Chỉ cần chúng ta tín Thần, kính Thần, sùng bái Thần thì nhất tư nhất niệm, nhất ngôn nhất hành của chúng ta đều hợp với luân lý đạo đức mà Thần đã quy phạm cho con người, Thần sẽ phú cho chúng ta đại dũng rợp trời.
Chỉ cần chúng ta tín Thần, kính Thần, sùng bái Thần thì nhất tư nhất niệm, nhất ngôn nhất hành của chúng ta đều hợp với luân lý đạo đức mà Thần đã quy phạm cho con người, Thần sẽ phú cho chúng ta đại dũng rợp trời.

Thứ hai, cái gọi là 'thu thập nghĩa' chính là điều mà Mạnh Tử nói hợp với đạo nghĩa. Đạo nghĩa mà Nho gia giảng là Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Đạo nghĩa mà Phật giáo giảng là Thiện. Đạo nghĩa mà Đạo giáo giảng là Chân. Đạo nghĩa là tiêu chuẩn đánh giá đúng sai, thiện ác, chính tà. Việc hợp với đạo nghĩa tức là đúng, là thiện, là chính. Trái lại thì là sai, là ác, là tà. Người đối nhân xử thế chiểu theo đạo nghĩa, tích lũy từng ngày từng tháng thì chính khí sẽ càng ngày càng đầy đủ.

Thứ ba là nội tỉnh, tức là hướng vào nội tâm mà phản tỉnh, kiểm điểm. Vương Dương Minh nói: "Cái tâm người thường như tấm kính cáu bẩn loang lổ, ăn mòn, cần phải cạo mài đau đớn một phen, tẩy hết loang lổ ăn mòn, sau đó thì bụi bám liền thấy ngay, thì mới phủi cái là hết, cũng không tốn sức. Đến lúc đó thì đã nhận ra được nhân thể rồi". Ý nghĩa là, cái tâm người phàm tục như cái gương đồng bị gỉ sét, cần phải trải qua cạo, mài đau đớn để làm sạch gỉ sét cáu bẩn, sau đó lại lau sạch bụi bặm thì mới có thể soi thấy bản tính chân thực của mình. Muốn mình có một thân chính khí thì phương pháp tốt nhất chính là đưa mắt vào bên trong nội tâm, không ngừng nội tỉnh, tự kiểm tra bản thân, sửa chữa sai lầm, hướng đến cái thiện. Cứ như thế tuần hoàn lặp đi lặp lại thì chính khí tồn trữ bên trong, tà không thể xâm nhập được.

Giáo dục hiện đại ảnh hưởng thuyết vô Thần, đấu tranh giai cấp, thuyết tiến hóa... nên đã hủy hoại chính tín, chính niệm của con người. Con người ngày càng truy cầu vật chất, truy cầu hưởng thụ vật chất, hưởng thụ dục lạc tầm thường... Thế nên rất nhiều người trong đầu toàn là chuyện ăn, uống, gái gú, cờ bạc, hút hít, hành vi toàn là khôn lanh, lười biếng, thèm thuồng, dối trá, giảo hoạt, xấu xa, đạo đức bại hoại, không còn kỷ cương và tâm pháp, nhân tâm bị ma quỷ hóa, bị hủ bại, trụy lạc, chính khí đương nhiên là không còn chút nào.

Hàng nghìn năm lịch sử văn minh, anh hùng hào kiệt liên tiếp xuất hiện. Họ hoặc sinh ra thời loạn thế, quần hùng nổi dậy tranh giành, múa đao lên ngựa, hào hùng xông pha; hoặc có người gặp thời thịnh thế, xả thân chẳng quản sống chết can gián, nghĩa khí át mây trời. Bất kể trong triều đình hay nơi hoang dã, bất kể là văn thần hay võ tướng, họ chính niệm chính hành đã thể hiện ra uy lực lớn lao, đức như núi cao người ngưỡng vọng, đức như đại đạo người người tin theo, khiến nhật nguyệt thêm ánh quang huy. Nếu mỗi người đều có thể hấp thụ nguồn dinh dưỡng quý báu của văn hóa truyền thống, người người đều chính niệm chính hành thì tà ác sẽ không có chỗ ẩn mình, nền văn minh rực rỡ Á Đông ắt sẽ tái hiện huy hoàng muôn thuở.

Trung Hòa
Theo Vương Hữu Quần - epochtimes.com.



BÀI CHỌN LỌC

Văn hóa truyền thống (P-3): Chính khí hạo nhiên