Trung Quốc đang mất đi Hoa Kỳ (Phần 2): ĐCSTQ thất thế trước chính quyền Tổng thống Trump

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mối quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc từ đối tác đã trở thành đối thủ. Năm 2019, trong một cuộc đàm phán với đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, đã trích dẫn một câu nói của Khổng Tử trong Luận Ngữ, với ý rằng: đối với ĐCSTQ, chúng ta không chỉ nghe cách họ nói mà còn phải xem cách họ làm.

Xem lại: Phần 1

Mối quan hệ giữa các công ty Mỹ và ĐCSTQ ngày càng tồi tệ. Tháng 9/2018, tranh chấp xảy ra liên tục giữa Giám đốc Điều hành (CEO) của các công ty Mỹ và ông Vương Nghị (Wang Yi) - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp ở Manhattan. Năm nay, thậm chí không có công ty Mỹ nào giúp ĐCSTQ vận động Nhà Trắng về phương diện thương mại.

Hiện nay, ĐCSTQ ngày càng chú trọng vào việc đầu tư và bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa quan trọng. Một số nhà phân tích cho rằng, ĐCSTQ đang lâm vào cảnh không có các công ty Mỹ làm đồng minh.

"Thuyết Khổng Tử" của Lighthizer đáp trả "Thuyết Tôn Tử" của Vương Kỳ Sơn

Cuốn sách "Superpower Showdown" (Được viết bởi 2 phóng viên của The Wall Street Journal; tạm dịch là “Trận đấu giữa các siêu cường quốc") viết rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mất một thời gian dài để nhận ra rằng các công ty đồng minh lâu năm của họ không còn khả năng cứu họ ra khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng nữa.

Tháng 5/2018, Vương Kỳ Sơn - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lại một lần nữa mời CEO của các công ty nước ngoài đến gặp ông. Đây là lần thứ hai ông Vương hẹn gặp các vị CEO, và khung cảnh của cuộc họp lần này không mấy thân thiện.

Vương kể cho các doanh nhân câu chuyện về Tôn Tử - một nhà quân sự thời Trung Quốc cổ đại. Ông nói với họ: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Theo mô tả của những người tham gia, Vương Kỳ Sơn cũng đề cập rằng sự hiểu biết của Trung Quốc về Hoa Kỳ vượt xa những gì Hoa Kỳ biết về Trung Quốc, Trung Quốc sẽ kiên nhẫn hơn nhưng sẽ không nhượng bộ.

Thông điệp Vương Kỳ Sơn muốn truyền tải là: Hãy khiến chính phủ Hoa Kỳ của các anh nhượng bộ.

Cuối năm 2018, trong một cuộc gặp mặt khác với các CEO, Vương Kỳ Sơn đã nhắc lại thông điệp “làm Hoa Kỳ chùn bước”.

Vương giơ chân lên để họ nhìn thấy đôi giày thể thao Skechers của ông ấy, ngụ ý rằng dù đang trong cuộc chiến thương mại, các quan chức cấp cao như Vương vẫn muốn mua hàng hóa của Mỹ. (Một số Giám đốc Điều hành nhận ra là đôi giày thể thao này được sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam).

Vương cũng hỏi Doug McMillon, CEO của Walmart rằng, liệu thuế quan có gây hại cho lợi ích của người tiêu dùng Mỹ hay không. McMillon trả lời: Đúng vậy, họ sẽ cảm thấy giá cả tăng lên.

Vương đồng ý.

Sau đó, Vương đã hỏi ý kiến của bà Mary Barra, CEO của Công ty General Motors. Bà Barra đã nhân cơ hội này để vận động Vương hạ thấp các rào cản thương mại của Trung Quốc.

Nhưng đối thủ mà ĐCSTQ gặp phải lần này lại là ông Robert Lighthizer - Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Và Lighthizer không sẵn sàng thỏa hiệp theo ý muốn của ĐCSTQ.

Ngày 30/1/2019, trong cuộc đàm phán với đại diện của ĐCSTQ, ông Lighthizer đã làm rõ tầm quan trọng của các vấn đề thực thi theo pháp luật. Lighthizer cho rằng sau nhiều thập kỷ đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Bắc Kinh nên bảo đảm sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường cho các công ty Mỹ và giảm áp lực buộc họ phải chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thời gian qua tiến triển rất ít. Vậy nên bây giờ, thỏa thuận đang được đàm phán giữa hai bên bắt buộc phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ của pháp luật nhằm bảo đảm mọi lời hứa sẽ được thực thi (tức là thuế quan).

Lighthizer đã trích dẫn "Luận ngữ - Công Dã Tràng" của Khổng Tử: "Thủy ngô ư nhân dã, thính kỳ ngôn nhi tín kỳ hành; Kim ngô ư nhân dã, thính kỳ ngôn nhi quan kỳ hành” (Bản dịch Tiếng Việt: Lúc đầu đối với người khác, ta nghe lời họ nói mà tin ở việc họ làm; Bây giờ đối với người khác, ta nghe lời họ nói và quan sát việc họ làm. Bản dịch Tiếng Anh: In the past when I evaluated a person, I believed what they said. Now when I evaluate a person, I listen to them, then I see what they do).

Giữa năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang

Thông điệp Vương Kỳ Sơn gửi đến Mỹ đã không thu được kết quả gì. Đến tháng 5 và tháng 6/2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Theo thông tin công khai, từ ngày 17 đến 18/5/2018, ông Lưu Hạc (Liu He), Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã dẫn đầu một phái đoàn đến Washington để bàn về các vấn đề thương mại với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer. Vào ngày 17, Tổng thống Trump đã hội kiến ông Lưu Hạc trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.

Vì Tổng thống Trump vẫn không hài lòng với kết quả đàm phán của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, ngày 15/6, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. ĐCSTQ ngay lập tức trả đũa, tuyên bố mức thuế 25% đối với 659 mặt hàng trị giá 50 tỷ USD nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Cuộc tranh cãi giữa CEO công ty Mỹ và Vương Nghị trong cuộc họp nội bộ

Một phóng viên của Tạp chí Phố Wall đã đề cập rằng, trong thời gian diễn ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2018, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp một nhóm các CEO công ty Mỹ trong phòng hội nghị ở Midtown Manhattan.

Vương Nghị đổ trách nhiệm hoàn toàn cho chính quyền Tổng thống Trump vì làm cho quan hệ Mỹ - Trung xấu đi. Ông ta trích lời của Khổng Tử - nhà triết học Trung Quốc cổ đại: "Tứ thập nhi bất hoặc" (40 tuổi không còn mê hoặc: tức là 40 tuổi là độ tuổi có thể nhìn thấu vạn vật trên thế gian, cũng là độ tuổi trưởng thành; “bất hoặc” tức là tỉnh táo, là minh bạch về bản thân, về người khác và về thế giới). Vương Nghị cho rằng Washington và Bắc Kinh nên cùng nhau nỗ lực và không được để "các yếu tố tiêu cực không ngừng gia tăng" của Hoa Kỳ làm phân tâm.

Nhiều CEO đã phủ nhận cách nói của Vương Nghị, họ cho rằng sự thực không phải như vậy, và ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho việc này. Evan Greenberg, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Trung, là người đầu tiên phát biểu. Greenberg nói: "Việc (ĐCSTQ) không thực thi những cải cách có ý nghĩa trong vài năm qua đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ thất vọng sâu sắc". Ông nói thêm: "Kế hoạch 5 năm gần đây nhất đã đặt thêm nghi vấn về quỹ đạo cải cách". Điều ông ám chỉ là kế hoạch phát triển công nghiệp kỹ thuật "Made in China 2025" của chính phủ Trung Quốc. Các CEO khác cũng đồng tình với ông.

Ông Alfred Kelly, Giám đốc Điều hành của Visa Inc., nói rằng ĐCSTQ lại một lần nữa cam kết mở thị trường thanh toán điện tử cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, đây là một cam kết mà Bắc Kinh đã đưa ra từ năm 2001.

Những người tham gia tiết lộ, khi đó ông Kelly nói: "Chắc chắn sẽ không có tiến triển gì".

Vương Nghị đã có phản ứng phòng vệ tại cuộc họp. Ông Vương nói: "Tôi hiểu cảm giác của bạn. Tôi hiểu cảm xúc này, nhưng sự thật là sự thật. Chúng tôi mới bắt đầu tham gia cuộc đua marathon và còn cách các bạn 20 km".

CEO các doanh nghiệp Mỹ đã chán ngán với việc chờ đợi.

Hai tháng sau, ông Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã thảo luận về vấn đề Trung Quốc tại Hội nghị CEO các doanh nghiệp toàn cầu của Bloomberg được tổ chức tại Singapore.

Ông Paulson hỏi: "Những người hiểu rõ nhất về Trung Quốc, làm việc ở Trung Quốc, kinh doanh ở Trung Quốc, kiếm tiền ở Trung Quốc và trước đây chủ trương thiết lập mối quan hệ sản xuất (với Trung Quốc) ấy, bây giờ làm sao để giành được nhiều người đối đầu (với ĐCSTQ) hơn trong số họ đây?”.

"Câu trả lời nằm ở chính sách cạnh tranh trì trệ và sự mở cửa chậm chạp trong hai thập kỷ qua. Điều này khiến giới doanh nghiệp Mỹ chán nản và tan rã".

Các công ty Mỹ thay đổi thái độ đối với ĐCSTQ

Ba tổ chức thương mại của các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ gồm: Phòng Thương mại Mỹ (U.S.Chamber), Hiệp hội Bàn tròn Kinh doanh (Business Roundtable) và Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia (National Association of Manufacturers), đã nỗ lực không ngừng và chi rất nhiều tiền để giúp Trung Quốc gia nhập WTO, nhưng hiện nay họ lại đang công khai đề xuất một dự luật yêu cầu chính phủ gây áp lực để thúc giục ĐCSTQ thực hiện các thay đổi.

Mục tiêu của ông Tập Cận Bình vào năm 2019 là làm cho Hoa Kỳ xóa bỏ thuế quan, nhưng các công ty Mỹ không thể tác động nhiều đến Nhà Trắng trong việc đưa ra quyết định về vấn đề này. Các trợ lý kinh tế thân cận nhất của Tổng thống Trump nói rằng, ông tự tin nhất vào khả năng phán đoán của mình trong vấn đề thương mại. Họ nói rằng cách Trump xem xét các vấn đề thương mại và thuế quan giống với cách mà cựu Tổng thống Ronald Reagan cắt giảm thuế. Reagan tin chắc rằng cắt giảm thuế là hành động đúng đắn để kích thích nền kinh tế. Trump thì dùng phương thức tương tự để xem xét thuế quan, ông cho rằng thuế quan sẽ giúp ông chiến thắng trên cả mặt trận kinh tế lẫn chính trị.

ĐCSTQ cho rằng các công ty lớn của Mỹ sẽ luôn là đồng minh đáng tin cậy trong việc gây ảnh hưởng đến chính phủ Mỹ, nhưng giờ đây mọi thứ đang thay đổi.

Lần này, khi cầu cứu sự giúp đỡ từ "những người bạn cũ", Bắc Kinh thường nhận được sự lạnh nhạt. “Thói quen” của ĐCSTQ đã chọc giận các công ty Mỹ, bao gồm trộm cắp công nghệ, trợ cấp một lượng tiền khổng lồ cho các công ty nhà nước, thao túng tòa án và điều tra sai. Vì vậy, các công ty này đã lặng lẽ cung cấp cho các quan chức chính phủ Trump những thông tin cần thiết nhằm công kích các chính sách kinh tế của ĐCSTQ.

Theo các báo cáo, hàng năm, hoặc ít hoặc nhiều cũng sẽ có các công ty Mỹ vận động Nhà Trắng để phản đối chính sách thuế quan của Trump đối với Trung Quốc; nhưng năm nay, việc vận động hành lang này thậm chí đã bị dừng lại.

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ William Zarit nói với truyền thông: "Bây giờ không phải là thời điểm tốt để mọi người đến Washington, bởi vì đang có dịch bệnh và việc đi lại bị hạn chế. Chúng tôi thường đến thăm Washington vào tháng Tư và tháng Năm hàng năm, nhưng năm nay chúng tôi không thể làm điều đó".

Ông Zalit nói rằng việc kinh doanh ở Trung Quốc luôn đầy thách thức và khó khăn. "Từ trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, chúng tôi đã gặp nhiều vấn đề. Rất nhiều thay đổi chính sách đã xảy ra mà không có thông báo trước. Đảng (Cộng sản Trung Quốc) đứng trên cả luật pháp".

ĐCSTQ vội vã tìm một người trung gian nhưng kết quả không như mong đợi

Năm 2018, ĐCSTQ lại một lần nữa tiếp cận Stephen Schwarzman, CEO của Blackstone Group, để mời ông ta làm người trung gian hòa giải giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Phóng viên tờ The Wall Street Journal đã đề cập rằng, vào tháng 4/2018, khi Tập Cận Bình tham gia Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (Boao Forum for Asia) trên đảo Hải Nam, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã tiếp cận Schwarzman trong bữa yến tiệc cùng Tập Cận Bình. Lưu Hạc đã yêu cầu Schwarzman giải thích với mọi người về chiến lược chính trị và thương mại của Trump. Trong số những người tham gia có Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba và Ban Ki-moon, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Schwarzman nói với Tập Cận Bình rằng Trump không phải là một chính trị gia truyền thống. Trump hy vọng sẽ thiết lập quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng ông ấy cũng sẽ dùng áp lực để đưa đối tác ngồi vào bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận. Schwarzman nói: "Trump sẽ không gây uy hiếp kiểu mượn gió bẻ măng”.

Theo bài báo, Schwarzman có lợi ích thương mại lâu dài ở Trung Quốc và đồng thời có mối quan hệ cá nhân mật thiết với Trump.

Bài báo trích dẫn nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng, mặc dù có người chỉ trích rằng ở đây có xung đột lợi ích, hồi đầu tháng 9/2018, Schwarzman đã dành hẳn một tuần bận rộn ở Bắc Kinh để cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại đã rơi vào đình trệ giữa chính phủ Trump và Tập Cận Bình.

Nhà Trắng từng mời Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc là ông Vương Thụ Văn (Wang Shouwen) đến thăm Washington vào ngày 20/9/2018 để mở đường cho các cuộc đàm phán chính thức tiếp theo có khả năng diễn ra với Lưu Hạc. Nguồn tin nội bộ cho hay: "Schwarzman chắc chắn là nhân vật chính của toàn bộ sự việc này. Ông ta là người khởi xướng và bắc cầu tất cả những điều này. Điều này khiến Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer rất tức giận".

Vào lúc đó, các hoạt động ngoại giao khéo léo của Schwarzman vẫn phải chịu thảm bại. Chỉ 2 ngày trước khi Vương Thụ Văn đến Washington, Trump tuyên bố rằng ông sẽ áp dụng thuế quan trừng phạt đối với một nửa sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Vương Thụ Văn ngay lập tức hủy kế hoạch đến thăm Hoa Kỳ.

Nguồn tin nắm rõ về hành tung của Schwarzman nói rằng, đây là lần thứ 3 trong hơn một năm qua, Schwarzman đã không thực hiện được lời hứa của mình, đó là làm trung gian để giúp người bạn Bắc Kinh gặp mặt người bạn Nhà Trắng.

Trước đó vào tháng 7/2017, Schwarzman cũng đã giúp sắp xếp một cuộc gặp giữa Trump và Uông Dương - Phó Thủ tướng Trung Quốc. Trong khi Uông Dương đang đợi ở Nhà Trắng, Trump đã hủy cuộc họp.

Theo nguồn tin nội bộ, vào đầu tháng 3/2018, Schwarzman đã cố gắng sắp xếp để Phó Thủ tướng Lưu Hạc gặp Tổng thống trong Phòng Bầu dục ở Washington. Trump từ chối gặp mặt, và khi Lưu Hạc vẫn đang ở Washington, Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan trừng phạt đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu.

Thời báo New York (The New York Times) cho biết, một số lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, bao gồm Vương Hỗ Ninh - Bí thư thứ nhất Ban Bí thư ĐCSTQ, Vương Kỳ Sơn - Phó Chủ tịch Trung Quốc, đã rất ngạc nhiên và bối rối trước các mối đe dọa thương mại và cách ra quyết sách nhanh chóng của Trump. Họ có vẻ không biết nên xử trí ra sao nên phải vội vã tìm kiếm người trung gian trong giới chính trị Mỹ.

Phân tích: ĐCSTQ đang đi tới thời kỳ không có các công ty Mỹ làm đồng minh

Do không hài lòng với cách ĐCSTQ che giấu và xử lý dịch bệnh, hôm 14/5, Tổng thống Trump nói với truyền thông Mỹ rằng, “Chúng tôi có thể làm rất nhiều việc. Chúng tôi có thể cắt đứt toàn bộ mối quan hệ (với ĐCSTQ)”. Đây là một trong những phát ngôn cứng rắn nhất của ông về mối quan hệ Mỹ - Trung kể từ khi Trump nhậm chức.

Báo chí nước ngoài cho biết, ĐCSTQ đã ra lệnh cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức công cộng gỡ bỏ hoàn toàn các thiết bị và phần mềm máy tính nước ngoài trong vòng 3 năm.

Các nhà phân tích tại China Securities ước tính, theo chỉ thị của ĐCSTQ, 20 đến 30 triệu phần cứng sẽ cần phải được thay thế, và việc thay thế quy mô lớn sẽ bắt đầu từ năm 2021. Họ nói thêm rằng mục tiêu là thay thế 30% phần cứng vào năm 2020, 50% vào năm 2021 và 20% còn lại vào năm 2022, vì vậy chính sách này có số hiệu là "3-5-2".

Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận thời sự, nói rằng khi ĐCSTQ quan tâm nhiều hơn đến đầu tư và bảo vệ các ngành công nghiệp trọng điểm nội địa, còn được gọi là "tự lực cánh sinh", thì có thể tưởng tượng rằng lợi nhuận của các công ty nước ngoài hoặc liên doanh sẽ bị đè chặt hơn nữa.

Ông Lý cho rằng trong tương lai, khi nền kinh tế suy giảm hơn nữa, ĐCSTQ sẽ bước vào kỷ nguyên không còn các công ty Mỹ làm đồng minh. Từ xu thế hiện nay có thể thấy rằng sự tách rời nền kinh tế Mỹ - Trung là điều không thể tránh khỏi.

Tiếp theo: Phần 3

Đông Phương
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đang mất đi Hoa Kỳ (Phần 2): ĐCSTQ thất thế trước chính quyền Tổng thống Trump