Cứu trợ bằng mọi giá - Thế giới sập bẫy tiền miễn phí (Phần 4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay, chính phủ được coi là một “ông già Noel” với túi tiền sâu bất tận, và cuộc tranh luận duy nhất là về việc chính phủ nên... nợ thêm bao nhiêu nghìn tỷ USD. Dường như công thức “giải cứu càng mạnh mẽ, tăng trưởng càng trì trệ” đã bị các chính phủ “nhắm mắt làm ngơ”. Và thế giới bắt đầu "sập bẫy" tiền miễn phí...


Xem lại:

Khoảng 60 năm trước, Thượng nghị sĩ Everett Dirksen (R-Ill.) đã thốt ra câu châm biếm nổi tiếng: Một tỷ USD ở đây, một tỷ USD ở đó, và chẳng mấy chốc bạn đang nói về tiền thật”.

Chính sách tiền tệ có thay đổi nhiều kể từ sáu thập kỷ qua? Thái độ phóng túng về việc tiêu tiền của người ta vẫn diễn ra ác liệt không kiểm soát được, nhưng quy mô đã thay đổi mạnh mẽ.

Nghìn tỷ” là một từ có vẻ đơn giản, nhưng sự đơn giản của từ này lại gây ấn tượng sai lầm về độ mênh mông mà nó biểu thị. Nếu bạn xếp chồng tờ 100 USD lên nhau, thì 1 tỷ USD sẽ cao hơn gấp đôi chiều cao của tòa nhà Empire State, và 1 nghìn tỷ USD sẽ cao hơn 631 dặm.

Lần đầu tiên toàn bộ GDP của Mỹ vượt quá 1 nghìn tỷ USD là vào thời Tổng thống John Kennedy. Lần đầu tiên nợ quốc gia chạm đến con số đó là vào thời Tổng thống Ronald Reagan. Ngày nay, nợ quốc gia Mỹ đã tăng vọt lên hơn 26 nghìn tỷ USD. Mùa hè năm 2020, nước Mỹ đã lập kỷ lục khi chi hơn 1 nghìn tỷ USD trong chỉ 1 tháng.

Khối Nợ tư nhân khổng lồ của các quốc gia đã đi về đâu?

Nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế năm 2008 là từ các khoản cho vay hộ gia đình, lúc đỉnh điểm, tỷ lệ các khoản vay mua nhà núp bóng dưới các loại chứng khoán hóa lên tới 97% GDP của Mỹ (khoảng 13.000 tỷ USD).

Tuy nhiên, điều đáng nói là một phần lớn nguồn tiền cho vay ra lại là tiền không có thực, được tạo ra bởi hệ thống ngân hàng, công cụ tài chính mang tính đầu cơ. Các thành phần kinh tế vay nợ càng nhiều, ngân hàng và các định chế tài chính càng quay vòng tiền nhanh, kiếm lợi lớn, thì lượng tiền ảo mà hệ thống này tạo ra càng lớn.

Khi sự suy thoái kinh tế bùng phát do các khoản nợ tư nhân đã lên đến đỉnh điểm, hàng ngàn tỷ USD được Cục Dự trữ Liên bang (FED) bơm vào thị trường thông qua 3 gói nới lỏng định lượng QE và lãi suất thấp. Nhưng dòng tiền đã được “chảy” vào đâu, liệu điều này có mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế?

Để giảm rủi ro nợ tư nhân do đòn bẩy tài chính quá mức, chính phủ Mỹ đã “nhảy vào” giải cứu. Kết quả là các khoản nợ chính phủ của Mỹ tăng đột biến từ năm 2008 đến nay. Tỷ lệ Nợ chính phủ/GDP của Mỹ đã tăng từ 44% vào cuối năm 2008 lên khoảng 77% vào tháng 12/2018.

Phần 1: Nợ quốc gia Trung Quốc đã tới mặt trăng
Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng, bóng bẩy của một con tàu kinh tế khổng lồ là đầy những lỗ hổng... (Ảnh: zhang kaiyv từ Pexels)

Tương tự, với cơ chế phân loại nợ “có một không hai” của Trung Quốc, vào năm 2016, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Rating đã đánh giá nợ xấu thực sự của Trung Quốc cao hơn số công bố ít nhất 10 lần. Điều này tạo điều kiện cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực mở rộng tín dụng bằng cách tăng nợ tư nhân.

Nếu khủng hoảng nợ khu vực tư nhân “nổ ra", chính phủ Trung Quốc sẽ phải “giang tay” giải cứu, bằng cách cho phép các NHTM có thể bán nợ xấu lại cho 4 ngân hàng quốc gia lớn hoặc cho các công ty xử lý nợ xấu (AMCs). Kết quả là, nợ chính phủ của Trung Quốc được trang Commodity ước tính lại theo chuẩn quốc tế lên tới 92,8% GDP năm 2019, và được ví là “đã vượt qua mặt trăng”.

Mặc dù được “giải cứu mạnh mẽ”, nhưng một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, vào cuối tháng 12/2019, lượng trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính toàn cầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 13,5 triệu USD - gấp đôi mức thực tế so với thời kỳ khủng hoảng kinh tế tháng 12/2008.

Hiện tại, sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và việc giảm tăng trưởng toàn cầu đã “bồi thêm nhát dao” nữa vào khối bong bóng nợ của doanh nghiệp. Theo Financial Times, để giảm rủi ro nợ tư nhân do đòn bẩy tài chính quá mức, các nhà hoạch định chính sách ở các nước tiên tiến đã nói rõ rằng họ sẵn sàng theo đuổi một “chính sách tài chính và tiền tệ tích cực”; cụ thể là, nợ tư nhân sẽ được chuyển thành... nợ chính phủ.

‘Giải cứu’ càng mạnh mẽ, tăng trưởng càng trì trệ

Gần đây, các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng ý xây dựng một quỹ phục hồi trị giá gần 2 nghìn tỷ USD để xây dựng lại các nền kinh tế EU, và số tiền này chiếm gần 2% GDP của EU. Tiến sĩ, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis Daniel Lacalle cho rằng “quỹ phục hồi” này không gì hơn là “cái cớ” để duy trì chi tiêu chính trị cồng kềnh và tạo ra một “liên minh chuyển tiếp”, nơi chính phủ sử dụng tiền thuế của người dân để tăng cường cho hệ thống quan liêu của mình.

Có thể thấy, việc giải cứu như vậy mang đến rủi ro dài hạn, khi chính sách tiền tệ rối loạn sẽ góp phần vào cuộc khủng hoảng tài chính ban đầu, cũng như làm trầm trọng thêm khoản nợ nguy hiểm mà nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt.

Ý tưởng về việc sử dụng tiền đóng thuế của người dân để “giải cứu” cho khối nợ của một nhóm đối tượng nào đó, khuấy động một cảm giác không công bằng sâu sắc. Khi tin tức về kế hoạch của Kho bạc Hoa Kỳ mua chứng khoán thế chấp trị giá tới 700 tỷ USD từ các ngân hàng lan truyền vào tháng 9 năm 2008, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối việc cứu trợ của Phố Wall.

Thời điểm đó đã có đến 230 nhà kinh tế học nổi tiếng, bao gồm một số người đoạt giải Nobel, đã viết thư cho Quốc hội Hoa Kỳ để đặt câu hỏi về sự công bằng của kế hoạch cứu trợ này (theo Samba Mbaye, Marialuz Moreno Badia & Kyungla Chae).

Thật tế, hình thức nợ “qua lại” này đè nặng lên hoạt động kinh tế, chu kỳ nợ công tăng lên khi chính phủ dùng khoản tiền nộp thuế của người dân để “thế chấp” vay tiền. Trong nghiên cứu “Giải cứu dân chúng? Khi nợ tư trở thành nợ công” (Mbaye và công sự, 2018) chỉ ra một quy luật “bất thành văn” là: “Giải cứu càng mạnh mẽ, tăng trưởng sau đó càng trì trệ”.

Điều này nghĩa là các nền kinh tế càng mạnh tay giải cứu, thì nợ công càng tăng mạnh, bền vững nợ công càng thấp và sức phục hồi sau khủng hoảng càng hạn chế. Mbaye và cộng sự đã tính toán cơ sở dữ liệu nợ toàn cầu như sau:

Cơ sở dữ liệu nợ toàn cầu của 21 nền kinh tế tiên tiến (màu xanh: nợ tư nhân, màu đỏ: nợ công, cột màu xám: tổng nợ)

Theo biểu đồ trên thì khi khối nợ khu vực tư nhân có dấu hiệu giảm xuống, nợ công lại bắt đầu “tăng phi mã", đồng thời tổng nợ cũng theo đó tăng lên. Có thể thấy, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) nổ ra vào năm 2008, nợ chính phủ đã tăng vọt và tiếp tục tăng lên đến năm 2014. Đáng ngạc nhiên nhất, tổng số nợ trong các nền kinh tế này tăng đáng kể như là một phần của tăng trưởng GDP.

Nói cách khác, để giảm nợ khu vực tư nhân, các chính phủ đang gánh khoản nợ mới. Điều đơn giản chỉ là sự hoán đổi nợ trên bảng cân đối kế toán, kết quả là các quốc gia có tổng nợ cao hơn so với trước khi chính phủ thực hiện việc “giải cứu”.

Theo nghiên cứu, chu kỳ “giải cứu” khu vực nợ tư nhân đang diễn ra nhanh hơn, từ 8 năm/lần đến khoảng 3,5 năm/lần. Một thập kỷ sau khi GFC bắt đầu, các nền kinh tế tiên tiến đã lún sâu trong nợ với tổng nợ chiếm 39% GDP. Tây Ban Nha là một ví dụ về khía cạnh này: nợ công đã tăng gần 59% GDP kể từ năm 2007.

Hóa ra, các nhân tố giúp ổn định và kích thích tài khóa lớn lại là những yếu tố chính đằng sau tỷ lệ nợ công cao hơn.

Câu hỏi đặt ra là, liệu sự hoán đổi từ nợ tư sang nợ công này có phải là một “tạo tác” của các cuộc khủng hoảng kinh tế, khiến quốc gia chìm sâu trong nợ nần và “giúp” các nhà tài phiệt kiểm soát chặt chẽ hơn hệ thống tài chính quốc gia đó?

Cứu trợ bằng mọi giá - ‘công thức chế tạo’ doanh nghiệp ‘xác sống’ (zombie)

Chính sách cứu trợ bằng mọi giá, trên danh nghĩa là tạo việc làm và sự ổn định cho người lao động, nhưng mục đích của nó là không để doanh nghiệp, định chế tài chính đổ vỡ, trên thực tế điều này có tạo được việc làm và ổn định hay ko thì lại là một câu chuyện khác.

Trong cả thập kỷ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, chính phủ các nước đã “dung dưỡng” sự tồn tại của các công ty “xác sống” (zombie), phá hủy đi sức sáng tạo - vốn là giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tư bản - bằng nguồn tín dụng dễ dãi, gần như cấp không cho doanh nghiệp theo thiên hướng của chủ nghĩa xã hội.

Chuyên gia kinh tế Úc Stephen Bartholomeusz phân tích rằng chính sách cấp tín dụng tràn lan, gần như “cho không” của các chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTW) sau GFC 2008 mang tới hậu quả là có tới 12% doanh nghiệp tại Úc và ít nhất là 16% doanh nghiệp tại Mỹ là các doanh nghiệp zombie sau đó.

Đây chính là sự bất công bằng lớn nhất đối với các doanh nghiệp tốt, vì các doanh nghiệp xác sống này gây rủi ro lớn cho thị trường chứng khoán, chiếm hữu tài nguyên, cơ hội sáng tạo của các doanh nghiệp tốt; trong khi những gì chúng tạo ra chỉ một ảo tưởng về tình trạng kinh tế ổn định, tốt đẹp.

Đại dịch có thể giết chết các công ty ‘xác sống’ đã lọt lưới khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008
Bất chấp cam kết của chính phủ và ngân hàng trung ương về việc hỗ trợ doanh nghiệp, virus Corona Vũ Hán sẽ làm những gì mà GFC 2008 không làm được - đó là thanh trừ các công ty zombie ra khỏi hệ thống. (Ảnh: Getty)

Điều này dẫn đến tình trạng nguồn lực toàn xã hội bị lãng phí, tăng trưởng ỳ ạch suốt cả thập kỷ, dòng tiền ‘tràn’ vào các thị trường tài sản rủi ro và tạo bong bóng như bất động sản (BĐS), thị trường chứng khoán với quỹ ETFs hay bong bóng tài sản là chứng khoán phái sinh tại các ngân hàng thương mại lớn nhất toàn cầu…

Một ví dụ điển hình tại Hàn Quốc, vào ngày 23/3/2017, hai ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Hàn Quốc đã đồng ý để Daewoo vay khoản tiền 2,6 tỷ USD và hoán chuyển nợ thành cổ phần để ngăn ngừa nợ xấu. Chưa tới 2 năm sau, công ty đóng tàu Daewoo lại nhận được khoản cứu trợ tương tự, làm tăng thêm gánh nặng cho nợ chính phủ, theo bloomberg.

Thực tế là, việc cứu trợ theo kiểu “bao bọc” của chính phủ sẽ chỉ như một bộ phim kinh dị thực sự với các nền kinh tế, khi mà Zombie sẽ luôn tạo ra nhiều Zombie hơn.

Chính sách tiền tệ giá rẻ ‘mở đường’ cho bong bóng thị trường chứng khoán

Điều gì đã “mở đường” cho bong bóng thị trường chứng khoán, chính là chính sách tiền tệ giá rẻ. Khi doanh nghiệp, cá nhân có thể tiếp cận với tín dụng giá rẻ quá mức, khu vực sản xuất thực sẽ không thể hấp thụ hết, dòng tiền - một phần lớn - sẽ bị chảy vào các loại tài sản mang tính đầu cơ cao và rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… Hiện tại, dấu hiệu này rất rõ nét tại Trung Quốc và tại các quỹ ETFs toàn cầu.

Hiện nay, tiền được chính phủ bơm ra bằng mọi giá nhằm cứu doanh nghiệp lớn, giải cứu ngân hàng, trong khi sản xuất đình trệ, nợ công tiếp tục tăng. Theo số liệu mới nhất trên trang web của Hội đồng vàng, cho tới đầu tháng 7/2020, tổng số lượng vàng mà quỹ ETFs vàng nắm giữ đã là 3.621 tấn. Khối lượng vàng vật chất được mua bởi quỹ ETFs vàng trong nửa đầu năm 2020 đã ở mức 738 tấn vàng.

Tài sản của các quỹ ETF toàn cầu đã tăng từ 716 tỷ USD vào năm 2008 lên 6,18 nghìn tỷ đô la Mỹ vào tháng 2/2020 (theo statista.com): gấp 8,63 lần về quy mô dòng tiền. Trên thực tế, bản thân các quỹ này cũng dùng dòng vốn giá rẻ huy động được để tăng mua vàng dự trữ theo một tỷ lệ nhất định khiến giá vàng tăng mạnh.

Thực tế, khi tiền không thẩm thấu vào được vào các doanh nghiệp sản xuất thực, thì sẽ “tràn sang” các thị trường tài sản rủi ro cao. Khi các thị trường này bị vỡ bong bóng tài sản, hiệu ứng domino xuất hiện với hàng loạt các NHTM, quỹ đầu tư, công ty tài chính sẽ mất thanh khoản, mất khả năng thanh toán và sụp đổ theo.

Câu trả lời là bản thân hệ thống tài chính không có tiền nhưng các quy định hoạt động của nó được chấp nhận bởi các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thanh toán quốc tế, quỹ tiền tệ quốc tế... khiến nó có thể “tự tạo tiền”. Dĩ nhiên là “tiền ảo”. 
Bản thân hệ thống tài chính không có tiền nhưng các quy định hoạt động của nó được chấp nhận bởi các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thanh toán quốc tế, quỹ tiền tệ quốc tế... khiến nó có thể “tự tạo tiền”. (Pixabay)

Deutsche Bank - định chế tài chính khổng lồ này có tới 5 năm liên tiếp không thể sinh lời, và đang ôm giữ khối tài sản phái sinh lên tới 53,5 nghìn tỷ USD - cao gấp 3 lần GDP của liên minh EU. Rủi ro của các “bong bóng” này cũng tương tự như thế, càng kéo dài, càng phình to, cuộc khủng hoảng sẽ càng tồi tệ.

Khủng hoảng tài chính năm 1999, Indonesia có mức nợ xấu chiếm hơn 50% tổng nợ, niềm tin của người gửi tiền tại các ngân hàng tư nhân địa phương bị rung chuyển. Lạm phát lên mức rất cao (tới 60%) trong khi tăng trưởng là -18% GDP (năm 1998). Cuối cùng, chính phủ phải phát hành trái phiếu tương đương 18% GDP để cứu trợ hệ thống ngân hàng vào cuối năm 1999.

Thế giới sập bẫy ‘tiền miễn phí’

IMF dự đoán năm nay các nước giàu sẽ phải đi vay số tiền tương đương 17% tổng GDP của họ để tài trợ cho các gói kích thích có tổng giá trị 4.200 tỷ USD. Các định chế tài chính lớn như Fed, BoE, ECB và BoJ đã tăng cung tiền thêm khoảng 3.700 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay. Chúng được thiết kế thành các chính sách giảm thuế và tăng chi tiêu công nhằm giúp nền kinh tế không đổ vỡ. Và con số vẫn chưa dừng lại ở đó.

Các NHTW đang miệt mài... in tiền. Fed, BoE, ECB và BoJ đã tăng cung tiền thêm khoảng 3.700 tỷ USD kể từ đầu năm 2020 đến nay. Phần lớn trong số này được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ. Tờ The Economist cho rằng điều này có nghĩa là các NHTW đang ngầm tài trợ cho các gói kích thích tăng trưởng, bất chấp lượng nợ công tăng mạnh.

Thêm nữa, chính phủ ngày càng đóng vai trò “quan trọng” hơn trong việc phân bổ vốn, khi Fed cùng với Bộ Tài chính Mỹ đã cùng nhau "ra trận", mua vào lượng lớn trái phiếu của những tập đoàn như AT&T, Apple và thậm chí là Coca-Cola, và sau đó cho tất cả mọi người vay trực tiếp. Hai cơ quan này đang sở hữu 11% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp ở Mỹ.

Hiện tượng các NHTW ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trên thị trường tài chính phản ánh sự nổi lên của các nhà tài phiệt ngân hàng “trong bóng tối”, vốn ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Cùng với các nhà tài phiệt phố Wall, NHTW ngày càng tham dự nhiều hơn, trở thành "nhà tạo lập thị trường cuối cùng".

Đó cũng chính là công thức tạo ra những thị trường méo mó, các thảm họa về đạo đức và tăng trưởng ì ạch. Liệu đó có phải là những cái giá rất đắt mà thế giới buộc phải trả trong kỷ nguyên tiền miễn phí này hay không?

Vô giá trị hóa tiền tệ

Trong khi đó, đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã đẩy nhanh tốc độ nợ quốc gia, chính phủ không ngừng gia tăng nợ. Theo Thượng nghị sĩ Ron Johnson (R-Wis.), ít nhất 2,9 nghìn tỷ USD đã được phép dùng cho chi tiêu khẩn cấp tại Mỹ trong thời kỳ đầu của đại dịch.

Điều đáng buồn là nếu ngay cả khi đại dịch biến mất vào ngày hôm sau, sự điên cuồng thúc ép gia tăng thêm nợ sẽ vẫn tiếp tục. Việc tiếp tục chi hàng nghìn tỷ USD bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ (nghĩa là số tiền này thậm chí chưa hề tồn tại) thật là điên rồ. Những gì chúng ta đang chứng kiến ​​là sự vô giá trị hóa hoàn toàn của tiền tệ.

Nhà kinh tế học Mark Hendrickson đã chỉ ra bản chất của vấn đề: “Tiền đã từng được tôn trọng. Đó là một biểu tượng vững chắc rằng một cái gì đó có giá trị đã được tạo ra bằng sự khéo léo hoặc nỗ lực của con người. Một đơn vị tiền đại diện cho sản xuất kinh tế, tạo ra của cải vật chất mới.

Ngày nay, tiền tệ của chúng ta đã dẫn đến một chất lượng “tiền độc quyền” không bình thường. Các chính trị gia coi nó như một thứ đồ chơi. Nó không làm họ áy náy rằng họ đang chất gánh nặng lên thế hệ sau với hàng chục nghìn tỷ USD tiền nợ. Sao phải lo lắng? Nó chỉ là tiền, phải vậy không?”

Công thức vô giá trị hóa tiền tệ

Thứ nhất, bản vị vàng đã bị “đánh sập”. Hoa Kỳ rời bỏ tiêu chuẩn vàng trong hai giai đoạn - năm 1933 khi tổng thống Franklin D. Roosevelt chấm dứt quy đổi tiền tệ cho người Mỹ và năm 1971 khi tổng thống Richard Nixon làm điều tương tự trên phạm vi quốc tế.

Khi người dân mua bán hàng hóa và dịch vụ bằng kim loại quý, có một ý nghĩa ngầm với sự tin tưởng và an toàn, rằng họ đang trao đổi giá trị kinh tế lấy giá trị kinh tế. Điều này không giống như các công cụ đòn bẩy tài chính của FED mà vốn dĩ chẳng có thực chất gì, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận ngày hôm nay.

Thứ hai, để thực hiện mục tiêu này, Fed và hàng loạt NHTW các nước đã chế tạo ra lãi suất gần bằng 0 trong ít nhất một thập kỷ qua, cho phép chính phủ liên bang tiếp tục bội chi một cách phóng túng, điều này rõ ràng gây nguy hại cho nền kinh tế của chúng ta.

Giá quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường là lãi suất - đôi khi được gọi là “giá của tiền”. Với lãi suất gần bằng 0, giá trị thời gian của tiền đã ít nhiều bị xóa bỏ, che khuất các tín hiệu quan trọng mà các doanh nhân cần để đưa ra quyết định của họ.

Nguy hại hơn, điều này tạo ra hàng nghìn tỷ USD “vốn pháp định”. Vốn pháp định “rẻ tiền nhân tạo” hình thành từ các chính sách của Fed bảo lãnh cho các tập đoàn “xác sống”, làm chậm quá trình kinh tế lành mạnh.

Hệ thống ngân hàng và cơ cấu tiền tệ cùng các đòn bẩy tài chính của nó đã hình thành nên một ”nền kinh tế nợ nần”. Dù ở quy mô cá nhân hay tổ chức, điều này đã "vô tình" đánh mất tự do của người đi vay và kích hoạt lòng tham của kẻ cho vay.
Hệ thống ngân hàng và cơ cấu tiền tệ cùng các đòn bẩy tài chính của nó đã hình thành nên một ”nền kinh tế nợ nần”. Dù ở quy mô cá nhân hay tổ chức, điều này đã "vô tình" đánh mất tự do của người đi vay và kích hoạt lòng tham của kẻ cho vay. (Pixabay)

Cuối cùng, sự "sáng tạo" không giới hạn công cụ đòn bẩy tài chính và quy định "chuẩn an toàn" của ngân hàng giúp ngân hàng tạo tiền ảo, đồng thời cho vay đòn bẩy bằng tiền ảo này. Trong thời kỳ kinh tế bình thường, tiền tiết kiệm đã cung cấp vốn cho việc sản xuất ra của cải vật chất thực sự. Tuy nhiên, ngày nay ngân hàng hợp thức hóa việc từ 1 đồng “tiền thật” có thể cho hộ gia đình, doanh nghiệp vay tới 5 - 6 đồng tiền ảo (mà nền kinh tế không hề tạo ra bất kỳ của cải vật chất thực sự nào).

Mục tiêu cuối cùng khi vô giá trị hóa tiền tệ của các nhà tài phiệt là tạo ra các chính phủ nợ nần, từ đó đưa quốc gia tịnh tiến lên "chủ nghĩa xã hội" trong vô thức

Rốt cuộc, kẻ tước đi tiền thật của quốc gia, nhưng lại đóng vai vị cứu tinh của các chính phủ và nền kinh tế, cũng chính là các nhà tài phiệt ngân hàng.

Ông Hendrickson cho rằng đa số người dân đều có lỗi. Họ bỏ phiếu cho chính phủ để tiêu tiền nhiều, nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Đối với các chính trị gia, động lực rất đơn giản: Chi nhiều hơn cho các chương trình mà cử tri thích, hoặc những cử tri đó sẽ “tống cổ” bạn đi.

Những vị tổng thống đáng tôn kính như George Washington và Thomas Jefferson, cho rằng việc tiêu tiền như vậy là vô đạo đức vì các thế hệ tương lai sẽ phải trả nó. Tuy nhiên, ngày nay, sự kiềm chế đạo đức đó đã lỗi thời và không còn tồn tại. Cho dù đó là nợ tư hay nợ công, người ta vẫn thích sống theo kiểu “chi tiêu hôm nay, hoàn trả mai sau (nếu có thể)”.

Trong ngắn hạn, việc tạo thêm hàng nghìn tỷ USD nợ công dường như không gây hại gì. Thế còn về sau này thì sao? Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes né tránh câu hỏi đó bằng cách trả lời: “Về sau đó, chúng ta đều chết cả rồi”.

Có một công thức lặp đi lặp lại trong mọi khủng hoảng kể từ khi hệ thống tài chính hiện đại kích thích nợ và tiền tệ không còn dựa trên bản vị vàng được tóm lược như sau:

Bong bóng giá tài sản - vỡ nợ tư nhân - chính phủ giải cứu biến nợ tư nhân thành nợ chính phủ - khủng hoảng - chính phủ gia tăng sở hữu tài sản xã hội - người dân, doanh nghiệp trông đợi, ỷ lại vào các 'gói cứu trợ của chính phủ và chính sách tiền tệ cho không - bong bóng tài sản phình to…

Nhưng chưa hết, các chính quyền nợ nần ngày một lớn, chủ nợ lại chính là các nhà tài phiệt tài chính hàng đầu thế giới. Các kế hoạch, phương thức, đường lối của các chính quyền rốt cuộc hoàn toàn có thể bị nhóm tài phiệt này chi phối.

Một cách hình ảnh, chính quyền các nền kinh tế, quốc gia trở thành các con rối của nhóm tài phiệt vốn quản lý cả thế giới này, trong khi người dân “bám chặt” vào chính quyền trong nỗi sợ hãi vô căn cứ và dâng hết tài sản của mình cho chính quyền sở hữu và trả nợ...

Chúng ta cần một câu trả lời trung thực hơn, đó là điều nguy hại về tiền tệ có thể gây ra rất nhiều nỗi đau cho rất nhiều người trước khi họ chết. Sự vô giá trị hóa tiền tệ có hậu quả sâu rộng, hậu quả này không gì khác hơn ngoài sự vô giá trị, trước tiên là của đồng tiền, sau đó là của bản tính con người chúng ta.

Tâm An

Tham khảo các nguồn:
1. Samba Mbaye, Marialuz Moreno Badia, and Kyungla Chae, “Bailing Out the People? When Private Debt Becomes Public” - Giải cứu dân chúng? Khi nợ tư trở thành nợ công” , IMF 2018;
2. Mark Hendrickson, The Trivialization of Money, The Epoch Times 2020; https://www.theepochtimes.com/the-trivialization-of-money_3441754.html#comments_open
3. Michael Schuman, Zombies Are Eating Asia, Bloomberg 2017; https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2017-04-02/zombie-companies-threaten-asia-s-future-growth
4. Stephen Bartholomeusz, Pandemic could slay zombie companies that staggered through GFC, The Sydney Morning Herald, 30/3/2020, https://www.smh.com.au/business/companies/pandemic-could-slay-zombie-companies-that-staggered-through-the-gfc-20200330-p54f93.html
5.
Trà Nguyễn, Phần 1: Nợ quốc gia Trung Quốc đã tới mặt trăng, NTDVN, 1/11/2019, https://www.ntdvn.net/chuyen-de-mo-xe-no-trung-quoc-bai-1-no-quoc-gia-trung-quoc-da-toi-mat-trang-459.html
6. John Flender, The seeds of the next debt crisis, The Financial Times, 4/3/2020, http://ft.com/content/27cf0690-5c9d-11ea-b0ab-339c2307bcd4
7.
Europe's moment: Repair and prepare for the next generation, European Commission, 27/5/2020, https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_20_940
8. Governments must beware the lure of free money, The Economist, 23/6/2020, https://www.economist.com/leaders/2020/07/23/governments-must-beware-the-lure-of-free-money
9. PGS, TS. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Giải pháp xử lý nợ xấu của Chính phủ Indonesia, 10/11/2014, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/nhan-dinh-du-bao/giai-phap-xu-ly-no-xau-cua-chinh-phu-indonesia-55535.html



BÀI CHỌN LỌC

Cứu trợ bằng mọi giá - Thế giới sập bẫy tiền miễn phí (Phần 4)