Trung Quốc tự ca ngợi đã “đánh bại’’ virus corona Vũ Hán, “cứu nguy” thế giới: Sự thật hay dối trá? (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo số liệu chính thức công bố ngày 10/3, toàn Trung Quốc chỉ ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới, một con số ngoạn mục thì ngược lại, virus corona Vũ Hán đang “tung vó” càn quét tàn bạo phần còn lại của thế giới.

Bất kể mức độ lây nhiễm và cách ứng phó của các nước phương Tây (và các quốc gia dân chủ trên thế giới) đối với dịch bệnh như thế nào, nhưng không có một chính phủ nào dám cố tình che đậy thông tin, bịt miệng công luận, cấm xét nghiệm hoặc sử dụng khủng hoảng như là một “công cụ” để tự tôn vinh chính mình. Nhưng Trung Quốc thì… ngoại lệ.

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán trên toàn thế giới đang ngày một trở nên tồi tệ. Dữ liệu chính thức cho thấy tổng số trường hợp lây nhiễm được xác nhận đã vượt quá 127.000 ca, và tổng số người chết đã lên tới hơn 4.000. Nhưng bạn đừng quên rằng, trong số hơn 127.000 trường hợp được xác nhận trên toàn thế giới, Trung Quốc chiếm tới 80.796 và trong số hơn 4.000 người chết, Trung Quốc có 3.169 người.

Bắc Kinh tuyên bố đánh bại Virus Corona Vũ Hán?

Chỉ vài tuần trước, các bệnh viện Trung Quốc “vỡ trận” với cảnh tượng cả người bệnh lẫn người chết “lổn ngổn” xen lẫn nhau từ trong phòng bệnh cho tới hành lang bệnh viện. Nay lại xảy ra hiện tượng: Nhiều giường bệnh còn trống.

Chỉ vài tuần trước, những bệnh nhân coronavirus giữa tâm dịch sẵn sàng mạo hiểm chấp nhận bất kỳ rủi ro nào, miễn là được điều trị. Vậy nên đã có những thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở người tại Vũ Hán. Nhưng nay, các loại thuốc thử nghiệm đang gặp “khó khăn” trong việc tìm đủ bệnh nhân để tiến hành thử nghiệm.

Chỉ vài tuần trước, số ca lây nhiễm và tử vong tại Trung Quốc luôn gia tăng ở mức kỷ lục, như ngày 14/2 có tới 5.090 ca nhiễm và 121 ca tử vong trong vòng 24h, thì nay số ca lây nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày tại Trung Quốc lại giảm một cách kỷ lục.

Hành khách đeo khẩu trang chuẩn bị lên tàu tại ga Nam Kinh ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Chinas phía đông tỉnh Giang Tô vào ngày 13 tháng 3 năm 2020.
Hành khách đeo khẩu trang chuẩn bị lên tàu tại ga Nam Kinh ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Chinas phía đông tỉnh Giang Tô vào ngày 13 tháng 3 năm 2020. (Ảnh: Getty)

Tất cả những dữ liệu trên xuất hiện trong bản báo cáo của WHO (công bố ngày 28/2) sau khi đoàn nghiên cứu do ông Bruce Aylward, Trợ lý của Tổng Giám đốc WHO và là người dẫn đầu phái đoàn 13 chuyên gia nước ngoài cùng 12 nhà khoa học Trung Quốc tới Thâm Quyến, Quảng Châu, Thành Đô và Vũ Hán khảo sát đánh giá dịch viêm phổi Vũ Hán, cũng như cách ứng phó của Bắc Kinh trong dịch bệnh.

Một ngày sau khi WHO công bố bản báo cáo đó, chính quyền Bắc Kinh đưa ra con số 206 ca nhiễm mới, trong khi phần còn lại thế giới cao gấp gần 10 lần. Và con số mà Trung Quốc cung cấp mỗi ngày sau đó đều giảm dần tới mức “khó hiểu”. Theo số liệu công bố chính thức ngày 10/3, toàn Trung Quốc chỉ có 19 ca nhiễm mới và không có ca tử vong nào.

Báo cáo của WHO được đưa ra vào thời điểm mà nhiều nhà dịch tễ học trên thế giới đã coi đây là Đại dịch vì mức độ nguy hiểm và lây lan khó thể kiểm soát của virus Vũ Hán, nhưng lúc ấy WHO vẫn không công bố là đại dịch. Báo cáo ra đời cũng vào thời điểm mà nhiều người đặt nghi vấn WHO đã “lệ thuộc” vào Trung Quốc khi chậm trễ ban bố tình trạng y tế khẩn cấp.

Có điều, trong khi ông Trợ lý Tổng giám đốc Bruce Aylward tuyên bố ngắn gọn là “các quốc gia nên học hỏi thành công của Bắc Kinh trong việc khống chế dịch bệnh”, cùng lúc Bắc Kinh tuyên bố đã “đánh bại” virus Vũ Hán thì chính người dân Trung Quốc lại không tin. Họ phẫn nộ gọi những tin tức đó là “Giả mạo” khi các phương tiện truyền thông nhà nước rầm rộ loan báo kết quả của WHO.

Cũng trong vài tuần gần đây, bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu tăng tốc. Một chiến dịch ngoại giao và truyền thông đã được chính quyền Bắc Kinh khởi động, nhằm tung hỏa mù về dịch bệnh cũng như đánh bóng hình ảnh “thế giới phải cảm ơn Trung Quốc” vì đã chiến đấu với dịch bệnh, và nay Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nước nào cần đến.

Mục tiêu là để người ta quên đi chính quyền Trung Quốc đã bưng bít thông tin, đánh mất “thời điểm vàng” để ngăn chặn dịch bệnh, che giấu sự thật qua việc tổ chức buổi tiệc khổng lồ ngoài trời với 40.000 gia đình dẫn đến lây nhiễm chéo, và để cho 5 triệu người Vũ Hán đi khắp mọi nẻo cả trong và ngoài nước khi dịch bệnh bắt đầu bùng nổ.

Chính quyền Trung Quốc đã lãng phí 3 tuần lễ vàng để ngăn chặn dịch bệnh, qua việc tổ chức bữa tiệc khổng lồ với hơn 40.000 gia đình tham gia nhằm đoạt kỷ lục thế giới, và để hơn 5 triệu người Vũ Hán đi khắp trong và ngoài nước vào thời điểm Xuân vận đầu năm 2020. (Ảnh: Getty)
Chính quyền Trung Quốc đã lãng phí 3 tuần lễ vàng để ngăn chặn dịch bệnh, qua việc tổ chức bữa tiệc khổng lồ với hơn 40.000 gia đình tham gia nhằm đoạt kỷ lục thế giới, và để hơn 5 triệu người Vũ Hán đi khắp trong và ngoài nước vào thời điểm Xuân vận đầu năm 2020. (Ảnh: Getty)

Dối trá thành hệ thống

Trái ngược với tuyên bố Trung Quốc đã khống chế thành công dịch bệnh, nhiều người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người đang phải chịu đựng từ tâm dịch đã truyền tải một câu chuyện khác cho thấy những thất bại của chính quyền Bắc Kinh.

Khi cậu học sinh cấp ba Xiang (hóa danh) đang ngồi chơi điện thoại trong một khách sạn, bất chợt cậu thấy từng mảng vữa rơi xuống đầu mình và trong phút chốc trần nhà và sàn nhà bỗng thông nhau. Cậu nghe thấy tiếng la hét át lẫn tiếng đổ rầm của gạch vữa bê tông, và mọi thứ xung quanh cậu giống hệt như một hang động.

Khách sạn, nơi Xiang bị cô lập trên tầng 4 và đang trải qua ngày thứ 12 bị cách ly đã bị sập đổ hoàn toàn. Xiang thoát ra khỏi đống đổ nát nhờ túm được một sợi dây do lính cứu hỏa ném xuống, trong khi mẹ và người chú ruột của cậu vẫn đang bị mắc kẹt bên dưới.

71 người đã mắc kẹt trong vụ sập khách sạn Hân Giai ở thành phố Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến) vào tối ngày 7/3, 58 người trong số họ đã bị cách ly tại đây sau khi trở về từ các vùng dịch khác của Trung Quốc. 29 người đã thiệt mạng, trong đó có một gia đình 5 người sẽ hết thời hạn cách ly vào ngày 8/3, tức chỉ 1 ngày sau khi xảy ra vụ đổ sập.

Ngày 12/3, công tác cứu hộ đã chính thức khép lại nhưng các nhà chức trách không công bố nguyên nhân chính thức đối với vụ sập khách sạn, mà chỉ thông báo cảnh sát đã bắt giữ chủ sở hữu tòa nhà và đang điều tra việc cải tạo tầng trệt của khách sạn.

Tối ngày 07/03, khách sạn Hân Giai ở thành phố Tuyền Châu (Phúc Kiến) đột ngột đổ sập khiến 29 người tử vong. Đến ngày 12/03, công tác cứu hộ kết thúc, chính quyền không công bố nguyên nhân chính thức sự việc. (Ảnh: Getty)
Tối ngày 07/03, khách sạn Hân Giai ở thành phố Tuyền Châu (Phúc Kiến) đột ngột đổ sập khiến 29 người tử vong. Đến ngày 12/03, công tác cứu hộ kết thúc, chính quyền không công bố nguyên nhân chính thức sự việc. (Ảnh: Getty)

Nỗi đau chồng chất tang thương, vụ sập khách sạn Hân Giai đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc lại nhắc đến “công trình đậu phụ”, một thuật ngữ ra đời vào năm 2008 sau trận động đất ở Tứ Xuyên đã làm đổ sập nhiều trường học, khiến hàng ngàn trẻ em bị chết vùi trong đống đổ nát. Thuật ngữ này ám chỉ các công trình xây dựng bị rút ruột do cách làm gian dối, cẩu thả để trục lợi của các quan chức và nhà đầu tư.

Nhiều cư dân mạng đã viết: “Tôi cảm thấy tuyệt vọng khi bị nhốt trong phòng chỉ vài giờ. Tôi có thể hình dung những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong nhiều giờ”; “Hy vọng tất cả họ đều sống sót và mạnh mẽ”... Những dòng cảm thán của cư dân mạng sau vụ sập khách sạn Hân Giai cho thấy sự thất vọng của hàng trăm triệu người Trung Quốc, những người đang bị chính quyền “giam cầm” trong nhà suốt hơn một tháng qua trong tình trạng thiếu thốn thực phẩm; điện, nước, mạng Internet thì luôn trong tình trạng “phập phù”.

Vụ sập khách sạn chỉ là một trong nhiều thảm kịch tiếp nối xảy ra ở quốc gia đang tự hào “vỗ ngực” thành công trong việc áp dụng các biện pháp “cách ly và cô lập” hà khắc. Một thảm họa nhẽ ra có thể phòng ngừa được, và sẽ không cho phép dẫn tới con số hơn 80.000 ca nhiễm virus, hơn 3.000 người chết, nếu chính quyền đó không dối trá, bưng bít thông tin.

Đó cũng là một lời nhắc nhở về những thất bại mang tính hệ thống của chính quyền Bắc Kinh: Dối trá lặp đi lặp lại. Đó là những cái chết vô tội bởi sự dối trá, tắc trách trong quá trình xây dựng các công trình nhà ở lẫn dân sinh. Là hàng nghìn người đã bỏ mạng vì sự bùng phát của virus chủng mới…

Tất cả đã làm trầm trọng thêm căn bệnh dối trá chính trị thâm căn vì mục đích giữ thể diện của ĐCSTQ. Nó phơi bày tham vọng mà Trung Quốc đang bằng mọi cách vươn tới: Vị trí siêu cường, sẵn sàng… thế chân Hoa Kỳ để dẫn dắt thế giới theo “giấc mộng Trung Hoa” vĩ đại.

Đây là lúc cỗ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc bắt đầu tăng tốc…

Vụ sập khách sạn Hân Giai đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc lại nhắc đến “công trình đậu phụ” - thuật ngữ ra đời vào năm 2008 sau trận động đất ở Tứ Xuyên đã làm đổ sập nhiều trường học, khiến hàng ngàn trẻ em bị chết vùi trong đống đổ nát. Ảnh: Trường Trung học Xuankou đổ sập năm 2008. (Ảnh: Getty)
Vụ sập khách sạn Hân Giai đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc lại nhắc đến “công trình đậu phụ” - thuật ngữ ra đời vào năm 2008 sau trận động đất ở Tứ Xuyên đã làm đổ sập nhiều trường học, khiến hàng ngàn trẻ em bị chết vùi trong đống đổ nát. Ảnh: Trường Trung học Xuankou đổ sập năm 2008. (Ảnh: Getty)

Chiến dịch tự ca ngợi mình

Việc Trung Quốc chọn con đường bưng bít thông tin dịch bệnh ngay từ ban đầu và chỉ thừa nhận khi không thể kiểm soát được sự “ngỗ nghịch” của virus Corona đều xuất phát từ mối lợi đảm bảo ổn đinh, phát triển kinh tế.

Đối với thế giới, con số người nhiễm và tử vong vì virus Vũ Hán thực sự là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mà các nước cần chung tay khống chế. Còn đối với chính quyền Trung Quốc, con số hơn 3.000 dân phải bỏ mạng không quan trọng bằng việc giữ ổn định xã hội và thể diện quốc gia.

Chính quyền Bắc Kinh e ngại virus Vũ Hán sẽ trở thành một thách thức đối với vị thế của họ ở cả trong và ngoài nước. Đối nội, Trung Quốc phải đối mặt với những bất ổn xã hội từ việc suy thoái kinh tế. Đối ngoại, Trung Quốc e ngại phải hứng chịu sự nghi ngờ từ các quốc gia khác, có thể làm suy yếu tham vọng trở thành cường quốc kinh tế và chính trị toàn cầu.

Vì vậy khi dịch bệnh bùng phát vượt ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến kinh tế thiệt hại nặng nề, chính quyền Trung Quốc quyết định cần phải “giảm nhiệt” virus bằng cách… giảm tốc độ các ca nhiễm và tử vong mỗi ngày. Đây cũng là lúc Bắc Kinh bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch tự ca ngợi mình thông qua các quan chức và “phễu” truyền thông Nhà nước.

Xiao Qiang, một nhà nghiên cứu tại tại ĐH California, Berkele (Mỹ) cho biết: “Họ (Trung Quốc) đang làm hết sức để giảm thiểu những thiệt hại cả ở mặt trận ngoại giao và nội bộ trong nước mà virus Corona đã gây ra”.

Thay vì thừa nhận những “sai lầm” ban đầu “cho phép” một chủng virus mới nguy hiểm lan truyền khắp đất nước tỷ dân, và hiện đang là mối đe dọa toàn cầu, các nhà ngoại giao Trung Quốc đang “tự hào” rằng, hệ thống độc đoán của đất nước này đã tạo ra một mô hình kiểm soát virus “vượt trội” mà thế giới nên mô phỏng, học hỏi theo.

Thay vì thừa nhận những sai lầm, các nhà ngoại giao Trung Quốc đang “tự hào” rằng, hệ thống độc đoán của đất nước này đã tạo ra một mô hình kiểm soát virus “vượt trội” mà thế giới nên mô phỏng, học hỏi theo. (Ảnh: Getty)
Thay vì thừa nhận những sai lầm, các nhà ngoại giao Trung Quốc đang “tự hào” rằng, hệ thống độc đoán của đất nước này đã tạo ra một mô hình kiểm soát virus “vượt trội” mà thế giới nên mô phỏng, học hỏi theo. (Ảnh: Getty)

Tờ báo Global Times nhấn mạnh “các nước châu Âu không thể nào áp dụng được những biện pháp triệt để như Trung Quốc”, nhằm chứng tỏ rằng chế độ cai trị của Bắc Kinh là ưu việt hơn các chế độ dân chủ phương Tây.

Chiến dịch này được Trung Quốc rầm rộ quảng bá bằng 400 cuộc phỏng vấn, hơn 300 bài báo in trong những tuần gần đây, để ca ngợi các phương pháp kiểm soát virus của chính phủ. Truyền thông nhà nước còn tổ chức lễ công bố xuất bản một cuốn sách ca ngợi những thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Cuốn sách do Ban Tuyên giáo Trung Quốc “sản xuất” có tựa đề “A Battle Against Epidemic: China Combating COVID-19 in 2020” (tạm dịch: Cuộc chiến chống dịch bệnh: Trung Quốc chống lại COVID-19 năm 2020) được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga và tiếng Ả Rập. Trong một bản tin ngày 26/2, Tân Hoa Xã còn mạnh miệng tuyên bố: “Thế giới có thể học hỏi từ các các phương pháp kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc”.

Trong một cuộc họp tại Bắc Kinh vào ngày 5/3, các quan chức nước này cố gắng miêu tả Trung Quốc như là một “một lãnh đạo tiên phong của thế giới” trong cuộc chiến chống lại dịch viêm phổi Vũ Hán bằng cách nhấn mạnh sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các quốc gia khác như gửi đội chuyên gia của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đến Iran, viện trợ các bộ dụng cụ xét nghiệm virus Corona tới Pakistan, Nhật Bản, Iran...

Việc Trung Quốc “sốt sắng” giúp đỡ một số quốc gia vừa tạo hiệu ứng rằng Trung Quốc có thể dễ dàng hồi phục sau sự sự tàn phá của dịch bệnh. Đồng thời cũng là cách để Trung Quốc chuyển “tâm dịch” của mình sang các điểm nóng khác, như nước Ý và “điều hướng” các quốc gia khác trên thế giới dần dần phải thay đổi suy nghĩ: Trung Quốc không phải là khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao nhất.

Sáng ngày 10/3, truyền thông Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã bất ngờ đến thăm Vũ Hán, nơi phát tán virus ra toàn đất nước và toàn cầu. Chuyến thăm này gửi đi thông điệp nhằm trấn an người dân trong nước, rằng dịch bệnh đã được khống chế, người dân nên trở lại cuộc sống và lao động bình thường. Qua đó, ĐCSTQ cũng muốn chứng tỏ với thế giới rằng: Các biện pháp cứng rắn ngăn chặn virus Vũ Hán của chính quyền Trung Quốc ưu việt hơn hẳn các nước dân chủ phương Tây, nơi đang bị virus khuấy đảo dữ dội.

Qua việc đưa tin ông Tập Cận Bình đến thăm Vũ Hán, ĐCSTQ cũng muốn chứng tỏ với thế giới rằng: Các biện pháp cứng rắn ngăn chặn COVID-19 của chính quyền Trung Quốc ưu việt hơn hẳn các nước dân chủ phương Tây, nơi đang bị virus khuấy đảo dữ dội. 
Qua việc đưa tin ông Tập Cận Bình đến thăm Vũ Hán, ĐCSTQ cũng muốn chứng tỏ với thế giới rằng: Các biện pháp cứng rắn ngăn chặn virus Vũ Hán của chính quyền Trung Quốc ưu việt hơn hẳn các nước dân chủ phương Tây, nơi đang bị virus khuấy đảo dữ dội. (Ảnh: Getty)

Dối trá nhưng bị người dân “bắt vở”

Trong khi cuốn sách “Cuộc chiến chống dịch bệnh: Trung Quốc chống lại COVID-19 năm 2020” được Ban Tuyên giáo Trung Quốc hết sức “o bế”, thì các cư dân mạng đã đăng những lời bình phẩm giễu cợt trên WeChat: “Hoàn toàn không biết còn biết xẩu hổ là gì” kèm theo hình ảnh bìa sách.

Ở một khía cạnh khác, sự dối trá của chính quyền cũng bị người dân bóc mẽ khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan đến thăm một khu phức hợp tại Vũ Hán đã bị người dân la hét phản đối từ các cửa sổ căn hộ cao tầng: “Giả, Giả” “Tất cả đều là giả”.

Những cư dân tại đây phát hiện ra rằng, trước khi bà phó Thủ tướng tới thị sát, Ban quản lý khu phức hợp đã đi phun thuốc khử trùng và “dàn dựng” một trạm cung cấp thực phẩm dành cho các căn hộ đang phải chịu lệnh phong tỏa. Nhưng thực tế, các cư dân tại đây đều bị chính quyền giam hãm trong nhà, và bị bỏ mặc nhiều tuần trong tình trạng thiếu đồ ăn thức uống.

Khi các clip này lan truyền trên MXH, tờ Nhân dân Nhật báo và kênh truyền hình nhà nước CCTV đã “bảo vệ” quan chức trung ương bằng cách chỉ trích các quan chức Vũ Hán “che giấu” thực tế nhằm làm xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng.

Tuy nhiên chỉ ít ngày sau “phốt” đó, trên các tờ báo Đảng, Bí thư đảng ủy thành phố Vũ Hán là Wang Zhonglin lại “đổ thêm dầu vào lửa” khi ông này kêu gọi cần phải giáo dục toàn dân Vũ Hán học tập để thể hiện lòng biết ơn.. Ông Wang cho biết, “người dân Vũ Hán nên được giáo dục để “biết” cảm ơn Tổng Bí thư [Tập Cận Bình], cảm ơn ĐCSTQ, biết quan tâm đến Đảng, song hành với Đảng để tạo ra năng lượng tích cực mạnh mẽ.

Phát biểu của ông Bí thư Đảng ủy Vũ Hán đã gây ra một cơn phẫn nộ trong lòng công chúng, tuy nhiên các bình luận chỉ trích ông bí thư Wang trên MXH đều nhanh chóng bị kiểm duyệt và xóa bỏ. Một trong những bài chỉ trích có lượt xem nhiều nhất là của phóng viên Chu Zhaoxin (nhưng cũng đã bị xóa) viết như sau: “Ông là công chức, và công việc của ông là phục vụ nhân dân. Bây giờ những người mà các ông phục vụ đang tan nát cõi lòng, thi thể người chết vẫn lạnh lẽo nằm đó, và nước mắt của người sống vẫn chưa khô. Người bệnh vẫn chưa hồi phục và sự phẫn nộ của người dân là hoàn toàn hợp lý”.

“Ông là công chức, và công việc của ông là phục vụ nhân dân. Bây giờ những người mà các ông phục vụ đang tan nát cõi lòng, thi thể người chết vẫn lạnh lẽo nằm đó, và nước mắt của người sống vẫn chưa khô. Người bệnh vẫn chưa hồi phục và sự phẫn nộ của người dân là hoàn toàn hợp lý”.
“...Bây giờ những người mà các ông phục vụ đang tan nát cõi lòng, thi thể người chết vẫn lạnh lẽo nằm đó, và nước mắt của người sống vẫn chưa khô. Người bệnh vẫn chưa hồi phục và sự phẫn nộ của người dân là hoàn toàn hợp lý”. (Ảnh: Getty)

Để ‘“chữa cháy” cho cấp dưới và xoa dịu dân chúng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hồ Bắc, ông Ying Yong, trước khi tuyên bố công khai “bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến người dân Vũ Hán và người dân Hồ Bắc” vẫn không quên ca ngợi “vai trò của chủ tịch Tập trong việc lãnh đạo đất nước vượt qua khủng hoảng”.

Bộ máy tuyên truyền lúc này bắt đầu chạy hết công suất. Báo chí nhà nước đăng tràn ngập hình ảnh những bệnh nhân cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn các biện pháp ngăn chặn hiệu quả của chính quyền không quên nhấn mạnh "dịch viêm phổi Vũ Hán" lan tràn khắp thế giới và những khó khăn mà các quốc gia dân chủ đang gặp phải.

Tuy nhiên, báo chí không hề nhắc đến các hậu quả xã hội bi thảm của hàng chục triệu người bị cách ly ở tỉnh Hồ Bắc, tình trạng thiếu thốn vật tư y tế tại các bệnh viện cũng như số người không chết vì nhiễm bệnh thì chết vì đói khát.

Trong những tuần chính quyền Bắc Kinh bắt đầu chiến dịch “tô hồng” bức tranh dịch bệnh u ám, đã có những người dũng cảm dám trực diện “đối đầu” với bộ máy dối trá của chính thể độc đảng.

Bất chấp việc hàng trăm cư dân mạng đã bị bắt giữ, nhiều nhà hoạt động nhân quyền, người bất đồng chính kiến, giới luật sư, bác sĩ… đã bị cảnh sát đe dọa, đánh đập và bắt cóc, thì Li Zehua (25 tuổi), phóng viên thời sự của Đài CCTV không hề nao núng. Anh đã âm thầm xin nghỉ việc để có thể tự mình làm một cuộc điều tra độc lập tại Vũ Hán.

Lấy “cảm hứng” từ luật sư Chen Qiushi, người đã lặn lội từ Bắc Kinh tới Vũ Hán để quay video sự thật tại các bệnh viện Vũ Hán và bị mất tích không rõ nguyên nhân - Li Zehua cũng làm một cuộc điều tra bằng các video “lột trần” sự thật kinh hoàng tại một nhà hỏa táng Vũ Hán.

Anh thăm hỏi những người lao động nhập cư khốn khổ, giờ trở thành những người vô gia cư đói khát bị kẹt lại Vũ Hán bởi lệnh phong tỏa. Anh cũng đến khu phố, nơi các quan chức Vũ Hán đã tổ chức bữa tiệc ngoài trời cho hơn 40.000 gia đình nhằm đoạt kỷ lục thế giới, thay vì cảnh báo họ về một dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang cận kề.

Chỉ vài giờ sau khi anh đến tác nghiệp tại khu vực lân cận Viện Virus học Vũ Hán, cảnh sát đã xuất hiện tại khách sạn nơi anh trú ngụ. Khi nghe thấy tiếng gõ cửa phòng, Li Zehua đã ghi lại những hình ảnh và tin nhắn cuối cùng, tuyên bố những việc anh làm là vì đạo đức nghề nghiệp, vì lương tâm trách nhiệm phải công bố sự thật cho gia đình, đất nước của anh, và gửi tới Đại học Truyền thông Trung Quốc, nơi anh đã theo học ngành báo chí.

“Tôi không muốn ngụy trang giọng nói của mình, tôi cũng không muốn mắt nhắm, tai không nghe”, anh cũng nói rằng anh thông cảm với các nhân viên an ninh đang đứng ngoài cửa phòng và lo lắng cho họ, “Khi các ông đồng tình vô điều kiện với một lệnh tàn nhẫn như vậy, rồi một ngày tàn khốc sẽ đến với các ông”.

Anh nói tiếp: “Ở Trung Quốc này, chúng ta luôn có những người nói thay cho người dân, những người chiến đấu kiên cường, từ bỏ thân xác của họ để tìm kiếm SỰ THẬT.... Trong những người này, chúng ta khám phá ra họ sẽ là rường cột của Trung Quốc”.

Rồi anh mở cửa. Hai người đàn ông bước vào, và màn hình tối đen...

(Còn tiếp...)

Xuân Trường

Xem thêm: Kỳ 2



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tự ca ngợi đã “đánh bại’’ virus corona Vũ Hán, “cứu nguy” thế giới: Sự thật hay dối trá? (Kỳ 1)