Đe doạ và trừng trị là hành xử của những kẻ bạo quyền (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai tháng kể từ khi dịch bệnh xảy ra, virus Corona chưa được chứng minh rằng nó sẽ gây tử vong chấn động như virus SARS 2003 hay đại dịch MERC năm 2009, nhưng trước mắt nó đã khiến gã khổng lồ Trung Quốc “đột quỵ” bởi cách xử lý thảm họa, trong đó việc bưng bít thông tin, giảm nhẹ độ nguy hiểm của dịch bệnh cùng với lệnh phong tỏa nhiều thành phố đã đẩy người dân nước này lâm vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc...

Lời cảnh báo từ tâm chấn

Coronavirus, một căn bệnh gây viêm phổi lây nhiễm qua đường hô hấp đang phải “chịu” trách nhiệm cho 904 trường hợp tử vong và 39.802 ca nhiễm bệnh tính đến ngày 10/2. Đây là theo con số “chính thức” của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đưa ra nhưng con số thực tế cao hơn rất nhiều lần vì chính quyền TQ vốn dĩ có “khả năng” hô biến các con số theo ý muốn của họ.

Tháng 12/2019, một chủng virus tương đồng với SARS mang tên Corona đã xuất hiện, dự báo gây “ấn tượng” không kém dịch SARS. Giống như SARS, virus mới được cho là “xuất thân” từ một ngôi chợ bán thực phẩm tươi sống và nó đã gây ra sự hỗn loạn tại Vũ Hán - một thành phố đông dân nhất ở miền trung Trung Quốc. Và cũng giống như SARS, chính quyền địa phương đã “ém nhẹm” về căn bệnh mới này vì họ không muốn tin tức này làm ảnh hưởng đến Lễ hội Mùa xuân và một cuộc họp chính trị lớn sẽ diễn ra tại Vũ Hán vào trung tuần tháng 1/2020.

Để che giấu nguy cơ, biện pháp đầu tiên của chính quyền Vũ Hán là bằng mọi giá phải dập tắt những người tung tin “đồn nhảm”. 8 người đầu tiên thảo luận về sự nghi ngờ và nguy cơ bùng phát virus Corona đã bị các nhà chức trách Vũ Hán bắt giữ. Chính quyền Vũ Hán đã “thổi phồng” hình phạt nghiêm khắc sẽ dành cho những “kẻ phá hoại” này, nhưng những hé lộ cho biết, tất cả 8 người này đều là các bác sĩ và chuyên gia y tế.

Ngày 30/12/2019, Lý Văn Lượng (34 tuổi) - bác sĩ Nhãn khoa của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, một trong số 8 người bị chính quyền Vũ Hán “mệnh danh” là “kẻ phát tán tin đồn” đã gửi các tin nhắn đầu tiên lên WeChat cho những bạn học cũ của anh tại trường Y cảnh báo: “7 trường hợp SARS được xác nhận đã được tìm thấy từ chợ hải sản Huanan” đang phải chịu đựng những triệu chứng mà anh mô tả là SARS. Khi ấy, bác sĩ Li nhầm tưởng rằng bệnh SARS tái phát và tiếp tục thông báo: “Các bệnh nhân đã được cách ly trong khu Houhu của bệnh viện chúng tôi”.

Bác sĩ Lý bị triệu tập đến một đồn cảnh sát, buộc phải thú nhận “tội lỗi” của mình, bị khiển trách về mặt “Đảng” và cam kết không lặp lại hành vi này nữa. Ngày 1/1/2020, 7 đồng nghiệp của bác sĩ Lý đã bị quan chức chính quyền Vũ Hán buộc tội truyền bá tin tức giả và cho biết hành vi của họ đã mang lại tác động xấu cho xã hội cũng như đe rằng họ sẽ bị “xử lý” theo luật.

Một tuần sau, bác sĩ Lý đổ bệnh sau khi điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm virus Corona và được đưa vào khu cách ly. Ngày 10/1/2020, qua Weibo, bác sĩ Lý đã mô tả các triệu chứng khi anh bắt đầu ho, sốt, cùng tình hình trong bệnh viện cũng như việc cha mẹ của anh cũng đã bị lây nhiễm.

Ngày 20/1, virus Corona đã “gây bão” tại Vũ Hán - thành phố hơn 14 triệu dân - khi số người nhiễm bệnh gia tăng nhanh chóng, khiến chính quyền Vũ Hán buộc phải xác nhận bệnh dịch và tuyên bố phong tỏa thành phố…

Bưng bít thông tin, che đậy sự thật…

Khi các trường hợp bị nhiễm chủng virus mới gia tăng với tốc độ đáng lo ngại trên khắp các tỉnh thành Trung Quốc, mọi ánh mắt đã đổ dồn về ngôi chợ chuyên buôn bán thủy sản ở Vũ Hán có tên là Huanan và chủng virus mới này được đặt tên là 2019-nCov.

Tuy nhiên khi bệnh dịch bắt đầu bùng phát, nguồn thông tin chính thức đầu tiên của chính quyền Trung Quốc chính là bản thông báo từ Ủy ban Y tế Thành phố Vũ Hán. Thông báo được đưa ra ngày 11/1 (tức là 10 ngày sau hành vi kỷ luật bác sĩ Lý) đã đề cập đến 41 bệnh nhân bị nhiễm bệnh và con số này vẫn giữ nguyên cho đến hết ngày 18/1.

Lưu ý rằng thời điểm này tại Vũ Hán, các quan chức địa phương đang tập trung cho cuộc họp diễn ra từ ngày 11-17/1 và trong suốt thời gian đó, Ủy ban Y tế Vũ Hán mỗi ngày đều tuyên bố không có ca nhiễm mới hay tử vong. Các thông báo này cũng không đề cập rằng khu chợ hải sản Huanan là nguồn khởi phát bệnh dịch, cũng như tuyên bố khẳng định không có bằng chứng về nguy cơ lây từ người sang người.

Theo ScienceInsider, Ủy ban Y tế Vũ Hán khẳng định 41 bệnh nhân nhập viện đầu tiên đã xác nhận nhiễm 2019-nCoV và chính các quan chức này đã được báo cáo về “lịch sử” nhiễm bệnh của các bệnh nhân, cũng như biết rằng dịch bệnh có thể không bắt nguồn từ khu chợ hải sản. Những mô tả về trường hợp lâm sàng đầu tiên đã được công bố trên tạp chí Y khoa nổi tiếng The Lancet đã chứng minh sự thật đó. (1)

Từ biểu đồ Lancet cho thấy, vào thời điểm TQ thông báo với thế giới về sự bùng phát của virus Corona thì đến ngày 31/12 và 1/1 rất nhiều ca nhiễm bệnh được phát hiện không có liên quan đến chợ hải sản Huanan (cột màu xanh).

Điều kỳ lạ là, bệnh nhân được biết nhiễm bệnh sớm nhất vào ngày 1/12/2019 - được biểu thị bằng cột màu xanh bên trái trong biểu đồ này - cũng không có mối tiếp xúc với khu chợ hải sản Huanan, cũng như không có mối liên kết dịch tễ nào được tìm thấy giữa bệnh nhân đầu tiên này với các trường hợp nhiễm bệnh sau đó. Và cũng không ai biết làm thế nào bệnh nhân đó bị nhiễm bệnh.

Cho đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc của chủng virus này. Kể từ ngày 2/1/2020, 27 trong số 41 bệnh nhân nhiễm bệnh đầu tiên được chính quyền Vũ Hán công bố đã tiếp xúc với chợ hải sản Huanan, nghĩa là hơn ⅓ số bệnh nhân còn lại bị nhiễm virus Corona không hề có có liên hệ đến khu chợ này.

Điều này cho thấy sự lây lan của virus Corona ở Vũ Hán có khả năng xảy ra sớm hơn nhiều, có thể ngay từ tháng 10/2019. Đây là nhận định của Daniel Lucey, giáo sư về về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế ĐH Georgetown (Mỹ). Nếu đúng vậy, virus Corona có thể lây lan âm thầm trong lòng Vũ Hán và có lẽ ở nhiều nơi khác trước khi hàng loạt trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện vào cuối tháng 12/2019. Daniel Lucey cũng đặt câu hỏi về tính chính xác của bản thông báo ban đầu mà Ủy ban Y tế Thành phố Vũ Hán cung cấp (ngày 11/1).

Liên hệ lại trường hợp bác sĩ Lý chịu áp lực từ chính quyền Vũ Hán đã phải rút lại “tin đồn” về Corona vào ngày 31/12, Yaxue Cao, người sáng lập trang ChinaChange.org cho biết: “Chúng tôi có thông tin biết được rằng, các cơ quan y tế Vũ Hán đã có một cuộc họp về “chủng virus SARS mới” vào cuối tháng 12, và thị trưởng thành phố Vũ Hán cho biết ông không được ủy quyền công khai dịch bệnh cho đến ngày 20/1 (tức là ngày TQ chính thức công bố dịch bệnh).

Điều này đã chứng tỏ một điều, ngay cả khi nắm rõ “lịch trình” của đại họa Corona, chính quyền thành phố Vũ Hán vẫn cố tình che giấu nguy cơ để không làm ảnh hưởng đến hai hội nghị quan trọng diễn ra từ ngày 11 đến 17/1. Hội nghị đã kết thúc “thành công” nhưng không hề nhắc đến một từ nào về dịch bệnh nguy hiểm đang lây lan.

Ngay sau khi hội nghị kết thúc, vào lúc 0h10 phút ngày 18/1, Ủy ban Y tế Vũ Hán mới bắt đầu thông báo về sự tồn tại của 4 ca bệnh nhiễm mới. Tuy nhiên, các quan chức đã hạ thấp nguy cơ lây truyền từ người sang người. Ngay cả khi các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận ngoài biên giới Trung Quốc là tại Thái Lan và Hàn Quốc, các quan chức Vũ Hán vì phải giữ “ổn định” tình hình bằng mọi giá - vẫn tổ chức một sự kiện ẩm thực khổng lồ với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình. Chính quyền còn phân phối hàng trăm ngàn vé miễn phí đến các điểm tham quan địa phương. (3)

các quan chức Vũ Hán vì phải giữ “ổn định” tình hình bằng mọi giá - vẫn tổ chức một sự kiện ẩm thực khổng lồ với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình.
Các quan chức Vũ Hán vì phải giữ “ổn định” tình hình bằng mọi giá - vẫn tổ chức một sự kiện ẩm thực khổng lồ với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình. (Ảnh: Shutterstock)

Trong khi các nhân viên y tế đang phải điều trị bệnh nhân không ngơi nghỉ, các bệnh viện tại Vũ Hán đều trong tình trạng thiếu thốn dụng cụ xét nghiệm, trang phục bảo hộ, còn bệnh nhân không có đủ giường bệnh mà phải “tự cách ly” tại nhà, thì quan chức tỉnh Hồ Bắc vẫn chỉ đưa ra các thông báo nhỏ giọt, dè chừng khi tình hình đã không thể giữ kín và bưng bít được nữa.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài CCTV, Thị Trưởng thành phố Vũ Hán thừa nhận rằng họ đã có thông tin về bệnh dịch từ trước, nhưng phải chờ cấp trên phê chuẩn thì mới dám công bố. Như vậy, ngay từ những ngày đầu, chính quyền thành phố Vũ Hán và nhà nước Trung Quốc đã chọn con đường bưng bít thông tin.

Dali Yang, một học giả nổi tiếng của Hệ thống quản trị Trung Quốc tại ĐH Chicago (Mỹ) cho biết: “Mọi thứ họ làm đều là để không thu thập các ca nhiễm mới, nhằm không cho dân chúng biết”. Không có bất kỳ cảnh báo của chính phủ, người dân Trung Quốc vẫn tự do tung tăng du lịch khắp đó đây cả trong và nước ngoài. Sân bay quốc tế Thiên Hà nằm cách trung tâm Vũ Hán 26 km về phía bắc, là sân bay lớn và bận rộn nhất ở miền Trung TQ đã vận chuyển khoảng hơn 3.300 hành khách ra nước ngoài mỗi ngày vào thời điểm đó, rõ ràn là một cơ hội thuận lợi để “xuất khẩu” virus Corona sang các quốc gia khác.

Đe dọa và Đàn áp là “thói quen” cố hữu của ĐCSTQ

Kế nhiệm “tinh hoa” của các thế hệ lãnh đạo đi trước, khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, việc kiểm soát các phương tiện truyền thông và Internet đã tăng lên rõ rệt và những quan điểm bất đồng hay phản biện đều bị buộc phải câm lặng. Những người phê bình chính phủ, các nhà bất đồng chính kiến và những “Rumormonger” (người tung tin đồn) đều bị câu lưu, chất vất, bắt giữ và bỏ tù. Mọi sự kiểm duyệt và kiểm soát này đều phục vụ cho mục đích duy nhất: Vì lợi ích của ĐCSTQ. Và cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán do con virus nhỏ xíu Corona gây ra lại càng phản ánh khía cạnh tối tăm và tàn bạo của giới lãnh đạo ĐCSTQ.

Khi virus Corona đang “làm mưa làm gió” khắp TQ thì dịch bệnh ập đến với nhiều nước trên thế giới theo cách còn rất mơ hồ, không những chưa có đủ biện pháp phòng vệ kịp thời, mà quan trọng hơn là không thật sự biết được nguyên nhân của bệnh dịch đến từ đâu. Người ta đã đặt câu hỏi rằng, liệu bộ máy kiểm duyệt khổng lồ của ĐCSTQ đã đóng vai trò như thế nào trong việc “bảo mật” thông tin về dịch bệnh cho đến khi mọi việc bị “vỡ lở tung tóe”.

Trong những tuần sau khi virus Corona được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, chính quyền Vũ Hán và “đầu não” Trung Nam Hải đã theo dõi sát sao nhất cử nhất động của người dân chính họ. Bộ máy công quyền của ĐCSTQ đã phối hợp “đồng điệu” như một vở kịch được tập dượt kỹ càng trước khi mang ra sân khấu trình diễn. Trong khi “để” các quan chức thành phố Vũ Hán hạ thấp mức độ nghiêm trọng của virus Corona, thì các nhà kiểm duyệt, các dư luận viên của Đảng miệt mài xóa bất kỳ bình luận hay thắc mắc nào của cư dân mạng về dịch bệnh. Cùng lúc cảnh sát, mật vụ có nhiệm vụ theo dõi các “Rumormonger” và sẵn sàng trừng trị, đàn áp bất cứ ai “ngoan cố” tung tin “thất thiệt” lên MXH.

“Mở hàng” cho cuộc đàn áp này chính là vụ bắt giữ bác sĩ Lý và nhóm 7 đồng nghiệp của anh trong ngày cuối cùng của năm 2019 như là một phần trong nỗ lực phối hợp “ăn ý” của lãnh đạo chính quyền thành phố Vũ Hán. Thay vì hành động ngăn chặn dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng dựa trên thông tin từ nhóm 8 bác sĩ này, các quan chức Vũ Hán lại đe dọa, trừng phạt họ. Than ôi, đây là một ví dụ nữa về mối bận tâm của giới chóp bu TQ nhằm duy trì “sự ổn định xã hội” - một cách nói hoa mỹ sáo rỗng của ĐCSTQ mà thực chất chính là nhằm duy trì bằng mọi giá quyền lực lãnh đạo tối thượng của Đảng.

Nhà báo Jing Zhao có nick là Micheal Anti đã vượt Đại Tường lửa, gây chấn động trên Twitter khi ông viết: “Một số quan chức địa phương hành động như thể được chỉ định không phải phục vụ dân chúng mà là phục vụ virus. Họ thẩm vấn các bác sĩ tiết lộ dịch bệnh, giam giữ những người cảnh báo về sự nguy hiểm của virus trên MXH và tổ chức những bữa đại tiệc lớn ngoài trời như thể nhiệm vụ chính của họ là tối ưu hóa sự lây lan của virus”.

Vào ngày mùng 1 Tết âm lịch (25/1/2020), chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp về Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh viêm phổi do nhiễm Virus Corona, và đã hai lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc “tăng cường hướng dẫn dư luận” (4). Khi Tập Cận Bình kêu gọi ĐCSTQ “tăng cường kiểm soát truyền thông và Internet”, WeChat - ứng dụng nhắn tin lớn nhất của đất nước tỉ dân hăm hở tuyên bố “kiên quyết và liên tục trấn áp các thông tin được coi là tin đồn” (5).

Kể từ ngày 31/12 năm ngoái, tin tức về bệnh viêm phổi Vũ Hán và sự lây lan của nó đã trở thành chủ đề thống trị trên MXH Trung Quốc, là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo. Cũng giống như 17 năm trước - khi dịch SARS manh nha vào những tháng cuối cùng của năm 2012 và bắt đầu bùng nổ vào đầu năm 2013 - ĐCSTQ đã bắt giữ và đàn áp những người được cho là tung “tin đồn” sau khi chính phủ tuyên bố căn bệnh này đã được kiểm soát.

Chinese Human Rights Defenders (tạm dịch: Người bảo vệ Nhân quyền TQ) đã ghi nhận 254 cư dân mạng đã bị chính quyền Bắc Kinh phạt vì lan truyền “tin đồn” về virus Corona trong thời điểm từ ngày 22-28/1. Phần lớn những trường hợp này bị giam giữ hành chính từ 3-15 ngày. Một số người bị phạt tiền, bị cảnh cáo, bị giáo dục cưỡng bức hoặc buộc tội. Ngày 27/1, chính quyền tỉnh Sơn Đông tuyên bố họ đã điều tra và trừng phạt 123 cá nhân vì đã gửi “tin đồn ác ý” - một động thái cho thấy quy mô kiểm soát của giới an ninh bên ngoài tỉnh Hồ Bắc.

Hệ thống giám sát kỹ thuật số xâm nhập đã được cảnh sát Trung Quốc triển khai nhằm để bịt miệng cư dân mạng và tăng cường kiểm soát thông tin. Trên các MXH, cư dân mạng cho biết đã bị cảnh sát truy cập, giam giữ hoặc trừng phạt sau khi họ đăng các bài bình luận về dịch bệnh Corona. Kỳ lạ là ngay cả một số tình nguyện viên phân phát miễn phí khẩu trang, mặt nạ và các vật tư y tế khác cho người dân cũng bị cảnh sát “hỏi thăm”.

Cảnh sát trên khắp Trung Quốc cũng được huy động để theo dõi, sách nhiễu các nhà hoạt động nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và giới luật sư, buộc họ phải im lặng về việc chính phủ xử lý dịch bệnh cũng như đe dọa xử phạt hình sự nếu “dám” chia sẻ tin tức về dịch bệnh ra ngoài Trung Quốc. Những người bày tỏ sự bất mãn đều có thể bị tống vào tù. Báo chí bị kiểm duyệt trong khi các nhà báo cố gắng đưa tin đều bị cản trở, giam giữ và các bài viết trên MXH đều bị xóa thẳng tay. Nhân viên y tế bị bịt miệng và các tổ chức thiện nguyện đều bị trấn áp không thể hoạt động trên tuyến đầu để hỗ trợ các bệnh viện và những người dân lâm vào cảnh khốn cùng bởi lệnh phong tỏa của chính quyền Nhà nước.

Điển hình có luật sư Sui Muqing (Quảng Châu) đã phải chịu nhận sự đe dọa từ cảnh sát. Nghệ sĩ Wang Zang và gia đình bị cảnh sát tỉnh Vân Nam sách nhiễu. Nhà hoạt động Chen Siming ở Hồ Nam bị bắt vào đồn cảnh sát, buộc phải xóa các Tweet và cam kết phải ngừng Tweet. Cảnh sát ở Trường Sa đã bắt giữ Fan Junyi vì “tội” chia sẻ tình hình dịch bệnh ra truyền thông nước ngoài. Cư dân Gao Fei ở Hồ Bắc đã bị mất tích sau khi anh đăng clip cách liên lạc và giúp đỡ người dân trong thành phố cần hỗ trợ. Gao Fei đã đăng tải về sự bùng phát dịch bệnh lên MXH cũng như sự thiếu hụt về khẩu trang trong cộng đồng người dân Hồ Bắc. Trong khi các mạng lưới tình nguyện viên và những người thiện nguyện tìm mọi cách để giúp đỡ người dân trong hoạn nạn thì các quan chức chính quyền lại tập trung mọi nguồn lực để tìm cách cô lập các thành phố và bỏ mặc con dân của chính mình.

Ngay sau khi Trung Quốc chính thức công bố dịch bệnh Corona vào ngày 20/1, thì ngay trong đêm đó đã có tổng cộng 217 trường hợp xác nhận nhiễm virus Corona, trong đó 198 trường hợp ở Vũ Hán, 14 ở Quảng Đông và 5 ca ở Bắc Kinh. Trong số 7 trường hợp bị nghi ngờ, thì có 2 trường hợp ở tỉnh Tứ Xuyên, 1 ở tỉnh Vân Nam, 2 ở Thượng Hải, 1 ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và 1 trường hợp ở tỉnh Sơn Đông. Đây là những trường hợp được xác nhận đầu tiên ở bên ngoài tâm chấn Vũ Hán kể từ khi bùng phát dịch bệnh. Ngoài ra, đã có thêm những trường hợp nhiễm bệnh tại Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc.

Nếu theo dõi sát sao tiến trình thời gian ấy, sẽ thấy có một điểm vô cùng “quái lạ”. Trước ngày 20/1 (ngày chính quyền Bắc Kinh chính thức công bố dịch bệnh ra thế giới), mặc dù chủng virus này rất dễ lây lan, nhưng nó có vẻ rất biết “nghe lời” lệnh của ĐCSTQ. Trước ngày đó, các ca nhiễm bệnh chỉ giới hạn ở tỉnh Hồ Bắc với tâm chấn là thành phố Vũ Hán và lác đác vài trường hợp nhiễm bệnh ở nước ngoài. Điều kỳ lạ là không hề có báo cáo về sự lây nhiễm ở các tỉnh thành khác của Trung Quốc, cứ như thể virus Corona chỉ dám “loanh quanh” trong phạm vi Vũ Hán, hay cũng chỉ lây truyền trên phạm vi quốc tế mà không hề lây truyền trong nước.

Vậy câu hỏi đặt ra là, làm thế nào ĐCSTQ có thể “chẩn đoán” được điều đó bằng cách buộc tội các cư dân mạng, các nhà hoạt động chính kiến, luật sư… về tội lan truyền tin đồn trước khi các bác sĩ chẩn đoán. Câu trả lời là: Biến sự thật thành tin đồn là cơ chế hoạt động của một chế độ độc tài, mà điển hình chính là sự vu khống, dối trá và lừa lọc của ĐCSTQ. Điều này đủ để minh chứng rằng, nhiệm vụ chính của cảnh sát, an ninh Trung Quốc chính là duy trì sự ổn định cho ĐCSTQ bằng cách buộc người dân phải câm lặng trước Sự thật.

Xuân Trường

Xem thêm: Kỳ 2



BÀI CHỌN LỌC

Đe doạ và trừng trị là hành xử của những kẻ bạo quyền (Kỳ 1)