Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong 29 năm qua do thương chiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 giảm xuống mức yếu nhất trong gần 30 qua trong bối cảnh cuộc chiến thương mại bầm dập với Hoa Kỳ, và dự kiến năm nay Bắc Kinh ​​sẽ có nhiều biện pháp kích thích hơn để cố gắng thúc đẩy đầu tư và mức cầu hiện đang trì trệ.

Tuy nhiên dữ liệu vào ngày 17/1 lại cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã kết thúc một năm đầy khó khăn với một dấu hiệu khởi sắc khi thỏa thuận thương mại ngừng bắn đã làm hồi sinh niềm tin kinh doanh và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trước đó cuối cùng đã bắt đầu có hiệu lực.

Đúng như dự đoán, tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm từ mức 6,6% vào năm 2018 xuống còn 6,1% vào năm ngoái, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho hay. Mặc dù con số này được coi là mạnh theo tiêu chuẩn toàn cầu và vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của chính phủ, nhưng đây là lần tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1990.

Năm nay là một năm quan trọng để Đảng Cộng sản cầm quyền hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập trong một thập kỷ tính đến năm 2020, và biến Trung Quốc thành một quốc gia “thịnh vượng vừa phải”.

Các nhà phân tích cho rằng để thực hiện được mục tiêu dài hạn thì tăng trưởng trong năm nay cần duy trì ở mức khoảng 6%, mặc dù các quan chức hàng đầu đã cảnh báo nền kinh tế có thể phải đối mặt với áp lực lớn hơn so với năm 2019.

Nhiều dữ liệu gần đây, cùng với sự lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 đã ký vào hôm thứ Tư, đã làm tăng hy vọng rằng nền kinh tế có thể đã chạm đáy.

GDP quý IV tăng 6,0% so với năm ngoái, ổn định từ quý III, mặc dù vẫn yếu nhất trong gần ba thập kỷ. Và sản lượng công nghiệp, đầu tư và bán lẻ tháng 12 đều tăng hơn dự kiến ​​sau khi được cải thiện vào tháng 11.

Các nguồn chính sách đã nói với Reuters rằng năm nay Bắc Kinh có kế hoạch đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn - khoảng 6%, so với mức 6-6,5% của năm ngoái, dựa vào việc tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng để tránh sự suy giảm mạnh hơn. Các mục tiêu chính sẽ được công bố vào tháng 3.

Trên cơ sở hàng quý, nền kinh tế tăng trưởng 1,5% trong giai đoạn tháng 10 - tháng 12, cũng cùng tốc độ như ba tháng trước.

Masaaki Kanno, chuyên gia kinh tế trưởng của Sony Financial Holdings tại Tokyo cho biết: “Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 6% trong năm tới”.

“Nền kinh tế Trung Quốc khó có thể giảm đột ngột vì… các chính sách của chính phủ, nhưng đồng thời, xu hướng giảm tốc của nền kinh tế sẽ không thay đổi”.

Nền kinh tế có dấu hiệu cải thiện, nhưng liệu có lâu dài?

Dữ liệu tháng 12 được công bố cùng với GDP cho thấy sự gia tăng đáng ngạc nhiên về sản lượng công nghiệp và sự tăng trưởng khiêm tốn hơn trong đầu tư, trong khi doanh số bán lẻ rất khả quan.

Sản lượng công nghiệp tăng 6,9% so với một năm trước, tốc độ mạnh nhất trong 9 tháng, trong khi doanh số bán lẻ tăng 8,0%. Đầu tư vào tài sản cố định tăng 5,4% cho cả năm, nhưng tăng trưởng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong mùa thu.

Các nhà phân tích cho biết, sự hạ nhiệt căng thẳng thương mại đã làm cho các nhà sản xuất lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh, mặc dù nhiều mức thuế trừng phạt mà cả hai bên đã áp đặt trong cuộc chiến thương mại vẫn được áp dụng.

“Mặc dù có sự tăng trưởng gần đây trong hoạt động, chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn sớm để gọi đây là đáy của chu kỳ kinh tế hiện tại”, Julian Evans-Pritchard và Martin Rasmussen tại Capital Economics cho biết trong một ghi chú.

“Các nhân tố bất lợi bên ngoài sẽ giảm bớt trong những quý tới nhờ vào “Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1” và sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc vẫn sẽ gặp khó khăn do sự chậm lại của nhu cầu trong nước, khiến Ngân hàng Nhân dân sẽ phải nới lỏng tiền tệ hơn nữa”.

Trong số những rủi ro lớn khác trong năm nay, cơ sở hạ tầng - một phần quan trọng trong chiến lược ổn định của Bắc Kinh - vẫn còn yếu kém.

Đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ tăng 3,8% trong năm 2019, giảm từ 4% trong giai đoạn tháng 1 - tháng 11, bất chấp phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cao hơn và các biện pháp chính sách khác.

“Điều này cho thấy chính quyền địa phương tiếp tục phải đối mặt với những hạn chế về ngân quỹ...”, ông Tommy Xie, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC tại Singapore cho biết.

Một số nhà phân tích cũng lo lắng về các dấu hiệu hạ nhiệt trong thị trường nhà đất, một động lực kinh tế quan trọng.

Tăng trưởng đầu tư bất động sản đạt mức thấp trong hai năm qua vào tháng 12 ngay cả khi nó tăng trưởng với tốc độ 9,9% vào năm 2019. Doanh số bất động sản giảm 0,1%, mức giảm hàng năm đầu tiên trong 5 năm.

Bắc Kinh đã hành động trong nhiều năm để kiểm soát đầu cơ và tăng giá nhà, và vào năm ngoái, các quan chức tuyên bố rằng họ sẽ không sử dụng thị trường bất động sản như một biện pháp kích thích ngắn hạn.

Những người công nhân đang làm việc tại Thượng Hải. (Julian Eisele/AFP/Getty)

Thêm nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa

Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ trong năm nay khi nền kinh tế phải đối mặt với áp lực lớn hơn nữa, Ning Jizhe, người đứng đầu Cục thống kê phát biểu trong một cuộc họp báo.

Ning lưu ý rằng GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc đã vượt mốc 10.000 đô la lần đầu tiên vào năm ngoái. Tuy nhiên các nhà phân tích tin rằng những cải cách mạnh mẽ hơn là cần thiết để tạo ra sự tăng trưởng bổ sung.

Bắc Kinh đã kết hợp các bước tài chính và tiền tệ để vượt qua tình trạng suy thoái hiện tại, cắt giảm thuế và cho phép chính quyền địa phương bán một lượng lớn trái phiếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Các ngân hàng cũng được khuyến khích cho vay nhiều hơn, đặc biệt là cho các công ty nhỏ vay, với các khoản vay nhân dân tệ mới đạt mức kỷ lục 16,81 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,44 nghìn tỷ USD) vào năm 2019.

Ngân hàng trung ương đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng - lượng tiền mà các ngân hàng phải dự trữ - 8 lần kể từ đầu năm 2018, lần gần đây nhất là trong tháng này. Trung Quốc cũng đã cho thấy sự cắt giảm khiêm tốn trong một số lãi suất cho vay.

Các nhà phân tích được thăm dò bởi Reuters dự kiến rằng Trung Quốc ​​sẽ cắt giảm thêm cả RRR và lãi suất chính trong năm nay.

Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần cam kết rằng họ sẽ không dấn thân vào những biện pháp kích thích lớn như trong cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008-2009, điều mà nhanh chóng làm tăng tốc độ tăng trưởng nhưng để lại một núi nợ.

Kiềm chế những rủi ro trong hệ thống tài chính sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách trong năm nay. Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt kỷ lục mới vào năm ngoái, trong khi các công ty liên kết nhà nước phải bước vào để giải cứu một số ngân hàng nhỏ gặp khó khăn.

Ngay cả khi có sự kích thích bổ sung và thỏa thuận ngừng bắn thương mại, các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters vẫn cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay sẽ giảm chỉ còn 5,9%.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong 29 năm qua do thương chiến