Gián điệp gắn mác sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ - Phần 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại: Phần 1

Một ý nghĩa khác của từ “giữa kỳ”

Thư từ qua lại giữa Quý Siêu Quần và Từ Yên Quân được khám phá trong quá trình điều tra ông Hứa đã khiến các điều tra viên của Hoa Kỳ cảnh giác với Quý Siêu Quần. Từ tháng 12, 2013 đến tháng 7, 2015, Quý Siêu Quần và “điệp viên A” đã 36 lần trao đổi tin nhắn, Andrew K McKay, đặc vụ của FBI, cho biết trong văn bản tòa án được công khai.

“Điệp viên A” liên quan tới Từ Yên Quân.

Ngày 25 tháng 9, 2018, Quý Siêu Quần bị bắt tại Chicago, và bị buộc tội hoạt động gián điệp bất hợp pháp cho một quan chức Cục An ninh quốc gia tỉnh Giang Tô. Công tố viên đưa ra cáo buộc rằng Quý Siêu Quần đã nhận chỉ lệnh bí mật từ các điệp viên Trung Quốc, và rằng anh ta đã không khai những liên lạc của mình với các điệp viên này trong lý lịch quân sự Hoa Kỳ.

Trong các tài khoản điện tử của Quý Siêu Quần, chính quyền liên bang chú ý tới một tin bức thư gửi cho “điệp viên A” về “câu hỏi chuẩn bị thi giữa kỳ.” Trong tin nhắn, K thông báo đã đính kèm 8 bộ “câu hỏi thi” của 3 năm trước.

Tuy nhiên, tệp đính kèm với bức thư của Quý Siêu Quần gửi cho Từ Yên Quân lại không có gì liên quan đến thi giữa kỳ, mà thay vào đó, lại chứa các thông tin cơ bản về tám nhà khoa học và kỹ sư cũng đang sinh sống tại Mỹ.

Theo một khiếu kiện hình sự cấp liên bang, Quý Siêu Quần đã thu thập thông tin về tám cá nhân này theo chỉ thị của một quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc, để chiêu dụ họ làm tình báo. Họ là người gốc Đài Loan và Trung Quốc Đại lục. Họ đều được tuyển dụng hoặc làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, và 7 trong số họ làm việc cho các nhà thầu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Bản khiếu kiện hình sự cho biết tất cả tám cá nhân này đều là mục tiêu tuyển dụng cho hoạt động gián điệp thế hệ mới của ĐCSTQ. Hoạt động này là một phần trong chiến lược chiến thắng Hoa Kỳ mà không cần xung chiến của chính phủ Trung Quốc.

Theo FBI, người gốc Hoa là mục tiêu tuyển chọn điệp viên của ĐCSTQ vì lý do ngôn ngữ và văn hóa. Với vị trí là một sinh viên quốc tế, Quý Siêu Quần là người lý tưởng để tiếp cận những cá nhân này.

Hồ sơ tòa án cho thấy các điệp viên Trung Quốc tập trung đánh cắp bí mật của các công ty hàng không vũ trụ lớn của Hoa Kỳ, và họ đã liên lạc với Quý Siêu Quần 7 tháng sau khi anh này nhập học.

Quý Siêu Quần tốt nghiệp năm 2015, một năm sau đó, Quý Siêu Quần gia nhập Cục Dự trữ Quân đội Hoa Kỳ theo chương trình Military Accessions Vital to National Interest (MAVNI), chương trình này nhằm mục đích giải quyết tình trạng thiếu nhân lực gay gắt.

Quý Siêu Quần đã ba lần tới Bắc Kinh và gặp gỡ các quan chức tình báo tại khách sạn. “Theo kinh nghiệm và huấn luyện của tôi,” ông McKay, viết trong hồ sơ tòa, “tổ chức họp trong phòng khách sạn là một mánh khóe của các điệp viên bởi vì các cuộc họp trong phòng khách sạn có không gian kín đáo, riêng tư để các điệp viên có thể phỏng vấn, tuyển dụng điệp viên mới.”

John Lausch, công tố viên Quận Bắc Illinois đã nói với phóng viên báo Chicago Tribune về tầm quan trọng của vụ án Quý Siêu Quần. Ông nhấn mạnh rằng Quý Siêu Quần đội lốt du học tới Hoa Kỳ để làm nội gián cho ĐCSTQ.

Steven Dollear, trợ lý công tố viên Hoa Kỳ nói, trong khi Quý Siêu Quần không bị buộc tội thu thập bí mật quân sự, anh ta hoàn toàn đã có thể tiếp cận được những bí mật quân sự vào thời điểm đó. Việc Quý Siêu Quần gia nhập quân đội Hoa Kỳ đã gia tăng phạm vi tiếp cận thông tin của anh ta, đặc biệt từ khi anh ta đồng thời cũng được đào tạo bởi các quan chức tình báo Trung Quốc. Điều này khiến anh ta trở nên nguy hiểm hơn đối với nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Quý Siêu Quần đã phủ nhận tất cả các cáo buộc.

Động cơ LEAP-1A / AFP / REMY GABALDA (Photo credit should read REMY GABALDA/AFP/Getty Images)

Công ăn việc làm giả và gian lận nhập cư

Vụ án hình sự Quý Siêu Quần cũng đề cập đến kế hoạch nhập cư lừa đảo quy mô lớn liên quan đến chương trình của liên bang cho phép sinh viên quốc tế được làm việc tại Hoa Kỳ trong các lĩnh vực được đào tạo ngay sau khi họ tốt nghiệp.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật điện, Quý Siêu Quần ở lại Hoa Kỳ theo chương trình việc làm tạm thời gọi là chương trình thực tập tùy chọn (OTP). Chương trình này cho phép sinh viên quốc tế được ở lại thực tập tại Hoa Kỳ 1 năm. Chương trình này được xem như một bước chuyển đổi sang diện visa làm việc H-1B. Từ năm 2016, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán học (STEM) được gia hạn 2 năm.

Quý Siêu Quần nói rằng đã tìm được việc làm kỹ sư phần mềm tại một công ty có tên Findream LLC. Công ty này là một công ty công nghệ mới nổi có trụ sở tại Mountain View, California, là một trong hai công ty do Weiyun Huang, hay Kelly Huang, nữ doanh nhân người Trung Quốc điều hành. Công ty kia của cô là Sinocontech.

Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai công ty trên đều không tồn tại. Giới chức trách liên bang cho biết hai công ty ma này được đội lốt để cung cấp chứng nhận việc làm giả mạo cho sinh viên Trung Quốc sau khi tốt nghiệp.

Theo Bản cáo trạng cấp liên bang được công bố ngày 26 tháng 7, cô Huang, năm nay 30 tuổi, bị buộc tội âm mưu và lừa đảo cung cấp chứng nhận việc làm, báo cáo tài chính, và hồ sơ thuế giả mạo. Cô này đã cung cấp 2.600 chứng nhận việc làm giả mạo và từ đó kiếm được 2 triệu đô la.

Các nhà chức trách liên bang cho biết Quý Siêu Quần là 1 trong những khách hàng của cô Huang, như Quý Siêu Quần đã thú nhận với nhân viên FBI rằng anh ta đã trả 900 đô la cho công ty “Findream” và chưa hề làm việc.

Theo công tố viên Robert Rouse, bộ phận thi hành pháp đang truy lùng 2.600 cá nhân liên quan của vụ lừa đảo để xác định các bước phù hợp tiếp theo.

Xem tiếp: Phần 3

Thu Hà

Tác giả: ZHANG TING
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Gián điệp gắn mác sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ - Phần 2