Văn hóa truyền thống: Thiên mệnh quan thời thượng cổ (P-1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tư liệu lịch sử cho thấy các triều đại cổ đại xưa đều đã từng nghiên cứu quan hệ giữa Trời và con người...

Xem: Phần 2; Phần 3; Phần 4

Tư Mã Thiên là nhà sử học nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bộ sách Sử Ký của ông được xếp đứng đầu trong Nhị Thập Tứ Sử (24 bộ sử cổ đại). Đó là bộ thông sử thể ký truyện (một thể loại truyện ký) đầu tiên trong lịch sử Á Đông, ghi chép lịch sử 3000 năm từ thời đại Hoàng Đế trong truyền thuyết thượng cổ đến năm Thái Sơ thứ 4 đời Hán Vũ Đế. Tư Mã Thiên dùng thời gian tròn 18 năm, quyết chí viết sử. Cuối cùng, ở độ tuổi 60, ông cũng đã hoàn thành bộ Sử Ký - một trước tác lịch sử khổng lồ với 52 vạn chữ.

Rốt cuộc tại sao Tư Mã Thiên lại vắt hết tâm huyết cả một đời, dùng sinh mệnh của bản thân mình để hoàn thành bộ Sử Ký này? Dùng lời của ông mà nói thì mục đích chính là: "Nghiên cứu quan hệ giữa Trời và con người, thông tỏ sự thay đổi cổ kim, lập ngôn thành một gia phái" (Nguyên văn: "Cứu Thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn" - nguồn: Phần Tư Mã Thiên Truyện, sách Hán Thư).

Cái gọi là: "Nghiên cứu quan hệ giữa Trời và con người" chính là thăm dò, tìm tòi nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và con người. Thực ra đó không chỉ là mục tiêu lớn của Tư Mã Thiên và những nhà nghiên cứu lịch sử tiêu biểu khác, nó cũng là mạch chủ đề chính xuyên suốt văn hóa truyền thống Á Đông.

sử ký tư mã thiên rốt cuộc để làm gì?
Tại sao Tư Mã Thiên dồn hết tâm sức suốt 18 năm ròng rã chỉ để viết cuốn Sử Ký dài 52 vạn chữ? (Ảnh: Wikipedia).

Khi Đổng Trọng Thư trả lời câu hỏi của Hán Vũ Đế, mở đầu đã nói: "Thần xem xét cẩn thận, trong kinh Xuân Thu, xem những sự việc các đời trước đã thực hiện, để quan sát mối quan hệ giữa Trời và con người, quả thật đáng sợ". Mối quan hệ giữa Trời và con người cũng là nội dung cơ bản trong đối sách của Đổng Trọng Thư. Cùng thời với Đổng Trọng Thư, Công Tôn Hoằng dựa vào nghiên cứu kinh Xuân Thu lên chức tể tướng, khi đề xuất với Hán Vũ Đế mở nền giáo dục Nho học đã nói: "Chiếu thư, pháp lệnh ban xuống, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Trời với con người, thông tỏ nghĩa lý cổ kim, văn chương trang nhã, giáo huấn thâm sâu" (nguồn: Phần Nho Lâm Truyện, sách Sử Ký).

Nhưng những quan lại thông thường không thể hiểu được những điều này, do đó cần phải bồi dưỡng nhân tài Nho học. Đó chính là thông tỏ quan hệ giữa Trời và con người làm phương hướng căn bản của học vấn Nho gia. Nhà Nho nổi tiếng cuối thời Tây Hán là Dương Hùng cũng nói: "Thánh nhân tồn Thần tìm đạo lý huyền diệu, thành tựu thiên hạ đại thuận, khiến cho thiên hạ đại lợi, hòa đồng mối quan hệ giữa Trời và con người, khiến mối quan hệ đó không có gián cách" (nguyên văn: "Thánh nhân tồn Thần sách chí, thành thiên hạ chi đại thuận, trí thiên hạ chi đại lợi, hòa đồng Thiên - nhân chi tế, sử chi vô gián giả dã" - nguồn: phần Vấn Thần sách Pháp Ngôn).

Đến thời Tam Quốc Hán Ngụy, Hà Yến khen ngợi Vương Bật, cũng nói: "Người như thế này có thể cùng đàm luận về mối quan hệ giữa Trời và con người được" (nguồn: phần Văn học, sách Thế thoại Tân ngữ). Hà Yến có viết sách Luận ngũ Tập giải, ông cũng là một lãnh tụ Nho lâm đương thời. Nhà triết học nổi tiếng Bắc Tống là Thiệu Ung cũng đã từng nói: "Học mà không liên quan đến Đạo Trời và sự việc con người thì không đủ để được gọi là học" (nguyên văn: "Học bất tế Thiên nhân, bất túc dĩ vị chi học" - phần Quan vật ngoại thiên sách Hoàng cực kinh thế thư).

Mấy nghìn năm nay, xoay quanh chủ đề quan hệ giữa Trời và con người này, nhân loại đã tiến hành tìm tòi nghiên cứu sâu trong thời gian dài, đã xây dựng nên hệ thống tư tưởng quan niệm đặc sắc, mọi người thường gọi là Thiên mệnh quan, hoặc tư tưởng Thiên mệnh. Thời Tam Đại thượng cổ: Hạ, Thương, Chu chính là giai đoạn sớm nhất có tư liệu xác thực có thể khảo sát về lịch sử phát triển Thiên mệnh quan, có thể nói là cội nguồn Thiên mệnh quan cổ đại.

mối quan hệ giữa con người và vũ trụ
Từ xa xưa tới nay, nhân loại luôn tìm tòi mối liên hệ giữa con người và vũ trụ, từ đó có lời giải đáp cho câu hỏi: "Con người từ đâu đến?" (Ảnh: Pexels).

Thời thượng cổ nghiên cứu xem xét quan hệ giữa Trời với con người như thế nào?

Khác với người hiện nay, con người thời Tam Đại thượng cổ đều tín Thần. Trong các vị Thần mà họ tín phụng có các Thần tự nhiên, cũng có Thần tổ tiên. Trong những Thần linh này có vị Thần mà họ cho rằng chí cao vô thượng, toàn năng, đó là vị chúa tể, cũng chính là Thần tối cao. Nhưng ở hai triều đại Thương và Chu, danh xưng đối với vị Thần này lại không hoàn toàn tương đồng. Người thời nhà Thương thường gọi vị Thần tối cao là Đế, có lúc cũng gọi là Thượng đế. Còn thời nhà Chu thì gọi là Trời (Thiên). Mặc dù cách gọi khác nhau nhưng nội dung thực chất của Đế, Thượng ĐếTrời là tương đồng, đều là chỉ Thần tối cao.

Đối với con người thời Tam Đại mà nói: Đế, Trời là Thần tối cao trong các chư Thần. Ngài không chỉ nuôi dưỡng vạn vật, mà còn là chúa tể, quyết định hết thảy sự việc hiện tượng của Đại thiên thế giới, bất kể là mưa gió sấm chớp, lụt lội hạn hán của giới tự nhiên hay là việc sản xuất và thu hoạch cây trồng, vật nuôi cho đến sự hưng thịnh suy bại của các vương triều, phú quý bần tiện, hung cát họa phúc của con người, v.v... không gì không được quyết định bởi sự an bài của Đế, Trời một cách lặng lẽ vô hình, nói cách khác được quyết định bởi ý Trời, mệnh Trời. Nhận thức này đã cấu thành cốt lõi trong quan niệm Thiên mệnh thời Tam Đại thượng cổ, cũng có thể nói là "Nguyên lý đầu tiên".

Lấy thời nhà Thương làm ví dụ. Quốc vương và quý tộc thời đó không chỉ dùng xương và mai rùa để xem bói, hơn nữa còn khắc kết quả xem bói lên xương, mai rùa. Những lời xem bói trên xương mai rùa (chữ giáp cốt) này là chữ viết sớm nhất của nền văn minh Á Đông, cũng là tư liệu đáng tin cậy nghiên cứu Thiên mệnh quan của người thời nhà Thương.

Từ những văn tự này có thể thấy, người đời Thương sống trong thời đại vạn vật hữu linh, tín phụng thiên thần, địa thần, nhân quỷ. Trong đó Thiên thần chính là tất cả những nhân vật thần hóa của vật tự nhiên trên trời, chủ yếu bao gồm Nhật (thần Mặt trời), Nguyệt (thần Mặt trăng), Tinh (thần các Vì sao), Phong Bá (Thần gió), Vũ Sư (thần Mưa), Lôi (thần Sấm)... và Địa thần, chính là tất cả những nhân vật Thần hóa của vật tự nhiên trên mặt đất, bao gồm thần Thổ địa (thần Đất), thần Xã tắc (thần Lúa), Sơn Nhạc (thần Núi), Hà Hải (thần Sông biển) và thần Bách vật. Ngoài ra còn có Nhân quỷ, tức là Thần hóa của những nhân vật trong lịch sử sau khi chết, bao gồm tổ tiên, tiên sư, công thần và những nhân vật lịch sử khác.

chữ giáp cốt
Những lời xem bói trên xương mai rùa (chữ giáp cốt) này là chữ viết sớm nhất của nền văn minh Á Đông, cũng là tư liệu đáng tin cậy nghiên cứu Thiên mệnh quan của người thời nhà Thương. (Ảnh: Wikipedia).

Còn Đế, Thượng Đế chính là tổng hợp, trừu tượng hóa và thăng hoa của Thần tự nhiên và Thần xã hội, siêu vượt tự nhiên và xã hội nhân gian, có vị trí đứng đầu trên các Thiên thần, Địa thần, Nhân quỷ, là hóa thân của quyền lực tuyệt đối. Đúng như nhà sử học chuyên nghiên cứu chữ giáp cốt Hồ Hậu Tuyên tiên sinh đã nói: "Trong tâm của người thời Ân Thương, vị Thần tối cao Thượng Đế này làm chúa tể gió mây sấm mưa, lũ lụt hạn hán của thiên nhiên, quyết định hoa màu ngô lúa sinh trưởng và thu hoạch. Ngài ở trên Thiên Thượng, có thể giáng xuống thành ấp... Đế tuy ở trên Thiên Thượng nhưng lại có thể giáng xuống nhân gian phúc lành hoặc thiên tai bệnh tật, có thể trực tiếp bảo hộ hoặc giáng họa xuống Ân Vương (vua nhà Ân Thương). Đế thậm chí có thế giáng hạ mệnh lệnh, chỉ huy hết thảy chốn nhân gian. Ân Vương cử hành lễ tế hay ra các chính lệnh đều phải xem xét đoán ý chí của Đế mà làm".

Nói một cách cụ thể, Đế đầu tiên là có sức mạnh siêu nhiên, có thể sai khiến gió mưa, chi phối giới tự nhiên. Như lời bói toán thời kỳ Vũ Đinh (vị vua thứ 23 nhà Thương) có viết: "Thượng Đế... giáng... hạn hán".

Lời bói thời Tổ Canh Tổ Giáp (2 anh em con Vũ Đinh thay nhau kế vị) có viết: "Tốt lành, 3 tháng tính từ hôm nay Đế lệnh nhiều mưa"; "Tốt lành, 13 tháng từ hôm nay Đế lệnh sấm sét"; "Ngày mai quý mão, Đế không lệnh gió, đêm sương mù".

Có thể thấy Thượng Đế trong lời bói có Thần lực rất lớn, các chư Thần mặt trời, mặt trăng, vì sao, gió, mưa, sấm, sét... đều nghe theo sự chỉ huy của Ngài. Ngài có thể lệnh đổ mưa, nổi gió, giáng sấm sét.

Không chỉ có vậy, Đế còn khống chế xã hội nhân loại, Ngài có thể phát hiệu thi hành lệnh, chỉ huy hết thảy chốn nhân gian, còn có thể truyền mệnh lệnh, can thiệp hết thảy chốn nhân gian, từ đó có thể gây tai họa hay ban phúc cho nhân gian. Như lời bói viết: "Mậu thân bói, tranh trinh, Đế giáng vận đen cho ta, 1 tháng"; "Đế giáng tai họa"; "Đế tuyệt diệt ấp này"; "Tốt lành, Đế cho ta sinh trưởng". Lời bói cũng viết: "Tốt lành, Đế làm bệnh vua lành"; "Vua tạo ấp, Đế bảo hộ ta"; "Năm tới Đế giáng những điều tốt lành, tại tổ ất tông, 10 tháng"; "Đế bảo hộ ta".

Bởi vì Thượng Đế chúa tể sự thắng thua của cuộc chinh phạt, có thể bảo hộ và gây tai họa cho Ân vương, nắm hung cát họa phúc của Ân vương, do đó Ân vương mỗi lần có hành động quân sự thì ắt phải hỏi xem Thượng Đế có bảo hộ hay không.

(Còn tiếp)

Trung Hòa biên dịch

Theo Thiên Bách Độ - epochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Văn hóa truyền thống: Thiên mệnh quan thời thượng cổ (P-1)