Văn hóa truyền thống (P-2): Trung chính bình hòa (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người có thể làm được trung chính bình hòa, nếu kinh doanh lập nghiệp có thể hòa khí cát tường, hòa khí sinh tài; nếu quản lý một địa phương thì có thể khiến lễ nhạc hài hòa, trật tự rành mạch; nếu quản lý quốc gia thì có thể đắc thiên thời, được địa lợi, tụ hợp nhân hòa; nếu giao lưu quốc tế thì có thể bốn biển là nhà, vạn bang cùng vui vẻ, thiên hạ quy tâm...

Thời thượng cổ khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Nghiêu căn dặn bốn chữ "Duẫn chấp quyết trung", nghĩa là: "Giữ Đạo trung chính". Vua Nghiêu yêu cầu vua Thuấn đồng ý rằng, nhất định phải chiểu theo Trung Đạo trị quốc để mà quản lý triều chính. Thái quá cũng không được, chưa đủ mức độ cũng không được, phải dung hòa thích hợp, vừa vặn đến mức tốt đẹp.

Tư tưởng "Trung chính bình hòa" của người xưa có khởi nguồn từ đây. Sau này vua Thuấn lại đem 4 chữ này truyền lại cho vua Vũ, vua Vũ truyền lại cho vua Thang, vua Thang truyền lại cho Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công, rồi tiếp đó Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công truyền lại cho Khổng Tử, Khổng Tử truyền lại cho Mạnh Tử,v.v... cứ như thế truyền thừa đến thời cận đại trong suốt mấy nghìn năm nay, đã sáng tạo nên nền văn hóa Á Đông rực rỡ.

Nhưng ở Trung Quốc từ năm 1949 khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lật đổ Trung Hoa Dân Quốc thì truyền thống lịch sử vĩ đại "Duẫn chấp quyết trung" đã bị tư tưởng cực đoan cực tả làm cho đứt đoạn. ĐCSTQ lúc thì cực tả lúc thì cực hữu, nhưng nhiều nhất vẫn là cực tả. Toàn bộ quá trình lịch sử của nhân loại đã bị tư tưởng cực tả đơn giản hóa thành "lịch sử của đấu tranh giai cấp". ĐCSTQ: "Đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người, hạnh phúc vô cùng" (Mao Trạch Đông), đã liên tục 'đấu' 70 năm. Kết quả là quan niệm, lời nói, hành vi thích đấu đá dường như đã ảnh hưởng đến mọi cá nhân ở Trung Quốc. Có khi chỉ một lời nói bất hòa mà 2 người đấu đá với nhau. Có người nóng nảy, động cái là nhảy dựng lên, đã gây ra bao thảm kịch thế gian.

Embed from Getty Images

Cuộc đại cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng đã phá hủy đi nền văn minh Trung Hoa, phá vỡ trạng thái bình hòa vốn có của người thời cận đại, đẩy trạng thái cảm xúc của con người đi tới cực đoan, tranh đấu.

Thế nên, trở về với văn hóa truyền thống Á Đông tốt đẹp là nhiệm vụ lịch sử của chúng ta hiện nay. Quan niệm "Trung chính bình hòa" là một trong những tài sản tinh thần quý giá nhất của những dân tộc Á Đông, cần phải được kế thừa và phát huy.

Trung chính bình hòa làm người

Quan niệm "Trung chính bình hòa" trong học thuyết Nho gia tập trung thể hiện ở "Đạo trung dung". Đạo trung dung là cảnh giới tối cao mà Nho gia truy cầu.

Phần Dung Dã trong Luận Ngữ có viết: "Trung dung chính là đức, là cảnh giới tối cao vậy" (nguyên văn: "Trung dung chi vi đức dã, kỳ chí hĩ hồ").

Chu Hy, bậc đại Nho đời Tống có giải thích rằng: "Không thiên lệch là trung, không thay đổi là dung", và "Trung là không thiên lệch, là tên gọi của không thái quá, không thiếu hụt. Dung là bình thường".

Đạo trung dung không phải là ba phải; không phải là bạn tốt, tôi tốt, mọi người đều tốt; không phải là vô nguyên tắc.

Không thiên lệch chính là trung Đạo, chính Đạo, chính là công bằng khách quan, là không có bất kỳ tư tâm nào. Sách Trung Dung viết: "Hỷ nộ ai lạc chưa phát tác gọi là trung, phát ra mà đều có thể tiết chế dung hòa gọi là hòa. Trung là cội nguồn của thiên hạ, hòa là đạt Đạo của thiên hạ".

Ý nghĩa là, nội tâm con người không phát ra hỷ nộ ai lạc, tâm tĩnh lặng như nước thì có thể nhìn rõ bản chất của sự vật, đưa ra phán đoán chính xác. Đó gọi là "trung chính". Khi hỷ nộ ai lạc phát tác mà có thể điều tiết tốt, không thái quá, cũng không thiếu mức độ, nhận thức và phán đoán đối với sự vật cũng sát gần với bản chất. Đó chính là "bình hòa".

Khi cái tâm ở trạng thái trung chính bình hòa thì đối nhân xử thế đều nắm chắc được mức độ, vừa vặn, thích hợp, thích đáng.

Embed from Getty Images

Khi hỷ nộ ai lạc phát tác mà có thể điều tiết tốt, không thái quá, cũng không thiếu mức độ, nhận thức và phán đoán đối với sự vật cũng sát gần với bản chất. Đó chính là "bình hòa".

Trái lại, khi con người ở trạng thái đại hỷ, đại bi, đại nộ, đại lạc thì không thể lý trí được. Tâm trạng con người càng cực đoan thì tư tưởng và hành vi cũng sẽ càng cực đoan hơn.

Làm thế nào để tâm trạng tiết chế dung hòa, không chạy sang cực đoan? Kinh nghiệm của Khổng Tử là: "Suy xét về hai thái cực là hiểu rõ" (nguyên văn: "Khấu kỳ lưỡng đoan nhi kiệt yên").

“Suy xét về hai thái cực là hiểu rõ” nghĩa là sao? Khổng Tử lại nói: "Nắm bắt hai thái cực, áp dụng cái dung hòa ở giữa đối với người dân, đó có lẽ là điều đã tạo nên người vĩ đại như vua Thuấn". (Nguyên văn: "Chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân, kỳ tư dĩ vi Thuấn hồ?").

Về tác dụng của trung dung, sách Trung Dung đã dùng một chữ để biểu đạt, đó chính là "Hòa". Khi cái tâm an hòa, bình hòa nảy sinh thì những tâm trạng không tốt đều tiêu tan vô hình vô bóng, tư tưởng con người có thể quy chính lại.

Trung tâm của Đạo trung dung là giáo dục mọi người tự giác tự tu dưỡng, tự giám sát, tự giáo dục, tự hoàn thiện bản thân, bồi dưỡng bản thân thành người "trung chính bình hòa", hài hòa với chính mình, hài hòa với người khác, hài hòa với xã hội và hài hòa với trời đất, cuối cùng đạt đến cảnh giới lý tưởng chí Thiện chí Thánh. Chỉ có như thế mới có thể tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được.

Trung chính bình hòa trong y học

Y học truyền thống lâu đời, hiện nay được gọi là Đông y (hoặc Trung y). Kinh điển y học sớm nhất là Hoàng Đế Nội Kinh, trong đó có viết: "Thầy thuốc bậc cao là trị sửa quốc gia, thầy thuốc bậc trung là trị sửa con người, thầy thuốc bậc thấp là trị chữa bệnh" (Thượng y trị quốc, trung y trị nhân, hạ y trị bệnh).

Tại sao nói "trung y trị nhân"? Bởi vì con người không tốt rồi mới sinh ra bệnh. Điều chỉnh con người tốt lên rồi thì sẽ tự nhiên không sinh bệnh. Do đó Đông y nhắm vào con người chứ không nhắm vào bệnh. Chỉ có thầy thuốc bậc thấp mới trị bệnh. Đông y (Trung y) chính là y học của Trung Đạo, chính là nền y học kế thừa tư tưởng "trung chính bình hòa" trong văn hóa truyền thống mà sinh ra.

nguồn gốc chữ "trung y"
"Thầy thuốc bậc cao là trị sửa quốc gia, thầy thuốc bậc trung là trị sửa con người, thầy thuốc bậc thấp là trị chữa bệnh" (Ảnh: Pixabay).

Hoàng Đế Nội Kinh định nghĩa khỏe mạnh như thế nào? Rất đơn giản: "Người bình thường không có bệnh". (Nguyên văn: "bình nhân giả bất bệnh dã").

Người bình thường là gì? Vương Băng, y học gia đời Đường giải thích rằng, người không thái quá thì gọi là người bình thường, tức là người sống theo Trung Đạo, chính Đạo thì gọi là người bình thường. Nói cách khác, người trung chính bình hòa chính là 'người bình thường' - người khỏe mạnh.

Làm thế nào để đạt được trung chính bình hòa? Đại y học gia đời Đường là Tôn Tư Mạc viết trong sách Thiên Kim Yếu Phương rằng: "Đạo đức không đủ thì dẫu có uống thuốc Tiên, kim đan ngọc dịch cũng không thể trường thọ. Đạo đức ngày một vẹn toàn thì dẫu không cầu thọ thì thọ cũng kéo dài, không cầu phúc thì phúc cũng tự đến. Đó chính là đạo dưỡng sinh vậy". Tôn Đạo sùng đức, tích thiện tích đức thì mới có thể có thân tâm mạnh khỏe, phúc thọ song toàn.

Biểu hiện của bệnh là gì? Đó là thái quá, hoặc chưa đủ mức. Bất kể là bệnh trên thân thể hay bệnh trong tâm, không bệnh nào không như vậy.

Lão Tử nói: "Đạo Trời là tổn hao chỗ dư và bù đắp chỗ thiếu" (Thiên chi Đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc). Chỗ dư tức là thái quá, chỗ thiếu tức là chưa đủ mức. Chiểu theo Đạo Trời thì thái quá sẽ bị tổn hao, chưa đủ mức thì sẽ được bù đắp. Sự tổn hao và bù đắp này chính là thông qua các phương pháp để khôi phục đến một trạng thái tốt đẹp, tức là trạng thái trung chính bình hòa. Chữa trị của Đông y chính là như thế này:

Thứ nhất là điều thân. Sách Hoàng Đế Nội Kinh viết, thực thì tả mà hư thì bổ, không hỏi đến bệnh, chỉ cần cân bằng.

Thứ hai là điều tâm. Tâm bình thì khí hòa, điềm đạm hư vô thì có thể khiến chân khí theo về, chính khí tồn chứa trong thân thể, tà không thể xâm phạm được. Tinh thần giữ ở bên trong thân thể thì bệnh sao có thể xâm nhập vào được? Khi một người mà ngũ tạng, thất tình, khí huyết, âm dương điều hòa thì bách bệnh không thể sinh ra được.

(Còn tiếp)...

Trung Hòa

Theo Vương Hữu Quần - epochtimes.com.



BÀI CHỌN LỌC

Văn hóa truyền thống (P-2): Trung chính bình hòa (Kỳ 1)