‘Sự thông đồng’ giữa Huawei và ĐCS Trung Quốc khiến Huawei thành 'trung tâm căng thẳng' giữa Bắc Kinh và phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao vấn đề của Huawei lại dẫn đến ‘một cuộc xung đột trên tất cả các mặt trận’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với chính quyền các nước phương Tây? Có bằng chứng rõ ràng về “sự thông đồng" giữa Huawei và ĐCSTQ, theo một cuộc điều tra của quốc hội Anh đã đưa ra kết luận.

Chúng ta được nghe nói về một “cuộc đình chiến” trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ? Vào ngày 1/12/2019, vào đúng lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng bữa tối tại Buenos Aires để thảo luận về một thỏa thuận thương mại, thì sân bay Vancouver là sân khấu của một vụ bắt giữ vang dội.

Đó là vụ bắt giữ giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei, do phạm tội vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Để hiểu rõ về điều này, chúng ta phải quay trở lại với việc “Huawei là gì và vai trò của công ty này trong các căng thẳng Mỹ-Trung, và hiện nay là của Trung Quốc với các quốc gia khác?"

Tại sao vấn đề của Huawei lại dẫn đến ‘một cuộc xung đột trên tất cả các mặt trận’?

Công ty Huawei được thành lập tại Thâm Quyến vào năm 1987 bởi ông Nhậm Chính Phi, một cựu quan chức thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ban đầu, công ty chỉ khiêm tốn bán các thiết bị viễn thông, nhưng trong vòng ba mươi năm, Huawei trở thành một trong những viên ngọc quý của ngành công nghiệp Trung Quốc, có mặt ở 170 quốc gia và là nhà cung cấp thiết bị lớn nhất trên thế giới, vượt qua cả công ty Ericsson của Thụy Điển.

Các nhà lãnh đạo của Huawei dự kiến đầu tư và thống trị thị trường mạng 5G, họ đã đề xuất thiết lập những cơ sở hạ tầng cần thiết với nhiều quốc gia.

Ở thời điểm bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, các thách thức về an ninh, chính trị, kinh tế đều xuất hiện. Và các chính phủ bắt đầu đặt câu hỏi liệu Huawei có phải là một mối nguy thực sự đối với an ninh quốc gia?

Huawei rõ ràng là “viên ngọc quý” với mác “ngành công nghiệp tư nhân” của ĐCSTQ. Công ty này đã trở thành biểu tượng của sự hồi sinh kinh tế của đất nước Trung Quốc. Hơn cả ngành điện thoại, chính vấn đề về cơ sở hạ tầng mới là điểm tập trung các căng thẳng, và đặc biệt hơn nữa là vấn đề mạng 5G.

Logo của Huawei được nhìn thấy tại trụ sở chính của công ty ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vào ngày 6 tháng 3 năm 2019 (Ảnh của WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)
Logo của Huawei được nhìn thấy tại trụ sở chính của công ty ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vào ngày 6 tháng 3 năm 2019 (Ảnh của WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)

Như thế đã diễn ra một trận chiến toàn cầu từ vài năm qua, giữa các nhà sản xuất thiết bị chính trên thế giới như công ty Ericcson của Thụy Điển, Nokia của Phần Lan, Samsung của Hàn Quốc, tất nhiên cả Huawei - trong việc giành lấy những gói thầu xây dựng các mạng lưới.

Thách thức của những cuộc đấu thầu này không chỉ mang tính tiền bạc, nó còn có tính áp đặt các “tiêu chuẩn 5G”. Đối với Huawei, và nói rộng hơn đối với ĐCSTQ, thách thức này là phải thành công trong việc áp đặt hoặc ít nhất là gây ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn đó theo hướng có lợi cho họ.

Mạng 5G sẽ là một sự hỗ trợ thiết yếu cho việc phát triển nhiều dịch vụ. “Tác nhân nào điều khiển được thiết bị, thông qua đó dữ liệu được truyền hoặc nhận, sẽ chiếm một vị trí chiến lược”, theo lời của Michel Nakhla, giáo sư về kinh tế và quản trị tại trường École Mines ParisTech.

Như vậy, có khả năng các thiết bị này được sử dụng cho mục đích gián điệp, và đó là điều các chính phủ đang lo ngại.

Một chi bộ của ĐCSTQ

Ngoài sự cạnh tranh khốc liệt về công nghệ, thì mối quan hệ giữa Huawei và ĐCSTQ chính là một mối lo lắng khác đối với phương Tây, đặc biệt là đối với vấn đề an ninh quốc gia.

Từ lâu, công ty này đã hưởng lợi từ những giúp đỡ của chính quyền để hỗ trợ họ trong các nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Ngay từ những năm 1990, khách hàng chính của Huawei là các chính quyền địa phương, những cơ quan mà Huawei đã cung cấp các thiết bị sao chép của Mỹ do công ty Cisco sản xuất.

Người sáng lập Huawei, không chỉ là ông Nhậm Chính Phi, vốn là một cựu quân nhân của PLA, mà theo CIA, Bà Tôn Á Phương - chủ tịch hiện tại của tập đoàn, còn là một cựu quan chức lãnh đạo của Bộ An ninh Nhà nước.

Thật vậy, ĐCSTQ được thành lập để “lãnh đạo toàn diện”, và yêu cầu tất cả các công ty thành lập một đảng ủy. Ngày nay, người ta vẫn chưa biết cấu trúc chính xác của Huawei.

Trong nội bộ công ty ở Thâm Quyến, có hơn 56 chi ủy ĐCSTQ, với tổng cộng 12.000 đảng viên. Liệu trụ sở Huawei ở các nước có một chi bộ như thế ở đó không? Vì vậy, thách thức an ninh là vấn đề cốt yếu ở đây. Liệu bản chất thật của Huawei là một công ty nhà nước, công ty liên doanh hay công ty tư nhân?

Về vấn đề này, công cụ tìm kiếm Sogou đã tóm tắt tình hình của các Huawei trong một cuộc phỏng vấn (từ lâu đã bị gỡ xuống, nhưng một ảnh chụp từ màn hình vẫn còn hiện diện trên Twitter):

“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà chúng ta sẽ được hợp nhất. Bạn có thể được yêu cầu thành lập một Đảng ủy trong nội bộ công ty của mình, hoặc để cho các nhà đầu tư nhà nước nắm giữ một số cổ phần... như một hình thức liên doanh. Nếu có suy nghĩ rõ ràng về điều đó, bạn có thể thực sự cộng hưởng với chính quyền. Bạn có thể nhận được một sự hỗ trợ cực lớn”.

Ngoài ra, Huawei còn tiến hành nhiều hoạt động vận động hành lang ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Theo biên tập viên Isaac Stone Fish của tờ Washington Post, Viện Brookings - viện nghiên cứu uy tín của Washington - có “vấn đề với Huawei” và đã nhận được ít nhất 300.000 USD từ công ty ở Thâm Quyến thông qua một công ty con có trụ sở ở Hoa Kỳ là FutureWei.

Ở châu Âu, “gã khổng lồ” này là đối tác của Phòng Thương mại Flanders-Trung Quốc và đã tham gia tài trợ cho hiệp hội kinh doanh quan trọng Trung Quốc-EU. Huawei cũng là nhà đầu tư chính của Học viện Brussels về các Nghiên cứu của Trung Quốc và Châu Âu.

Huawei nhận ‘tài trợ trực tiếp’ từ ĐCSTQ

Mới đây, ủy ban quốc phòng của Hạ viện Anh đã xuất bản một báo cáo, dựa trên lời khai của các học giả, chuyên gia an ninh mạng và những người trong ngành viễn thông, cùng những người khác, bao gồm một số nhà phê bình lâu năm về công ty Huawei.

Trung Quốc đã "ném sức nặng" của mình sau cuộc chiến pháp lý của Huawei chống lại Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 3, thề sẽ làm tất cả những gì cần thiết và áp dụng các biện pháp bảo vệ "quyền lợi hợp pháp" của các công ty và cá nhân Trung Quốc. (Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)
Trung Quốc đã "ném sức nặng" của mình sau cuộc chiến pháp lý của Huawei chống lại Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 3, thề sẽ làm tất cả những gì cần thiết và áp dụng các biện pháp bảo vệ "quyền lợi hợp pháp" của các công ty và cá nhân Trung Quốc. (Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)

Báo cáo trích dẫn lời của một nhà đầu tư mạo hiểm tuyên bố chính phủ Trung Quốc "đã tài trợ cho sự phát triển của Huawei với khoảng 75 tỷ USD trong ba năm qua", ông cho rằng ĐCSTQ đã trợ giúp Huawei bán phần cứng của mình với "mức giá thấp đến mức nực cười".

Báo cáo đã làm nổi bật tuyên bố của một nhà nghiên cứu chuyên về những điều bất thường của công ty Trung Quốc này, với cáo buộc rằng Huawei đã "tham gia vào nhiều hoạt động tình báo, bảo mật và sở hữu trí tuệ", mặc dù Huawei liên tục phủ nhận, theo BBC.

Ủy ban kết luận: “Rõ ràng là Huawei có mối liên hệ chặt chẽ với ĐCSTQ, bất chấp những tuyên bố ngược lại của họ. Điều này được chứng minh bằng mô hình sở hữu của công ty và các khoản trợ cấp mà họ đã nhận được".

Phương Tây ‘thức tỉnh’?

Các nghị sĩ Anh nói rằng chính phủ Anh cần đưa ra thời hạn để loại mạng 5G của Huawei khỏi các mạng di động của Anh. Huawei đã phản ứng bằng cách đáp trả rằng "báo cáo trên thiếu độ tin cậy vì nó được xây dựng dựa trên quan điểm hơn là thực tế".

Người phát ngôn của Huawei cho biết: “Chúng tôi chắc chắn rằng mọi người sẽ bỏ qua những cáo buộc thông đồng này và thay vào đó ghi nhớ những gì Huawei đã cung cấp cho Anh trong suốt 20 năm qua”.

Ở châu Âu, các nước lớn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nước Đức hiện đang tranh luận các biện pháp bổ sung để bảo vệ các cơ sở hạ tầng của mình. Ở Brussels, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường kỹ thuật số, Andrus Ansip cũng bày tỏ mối lo ngại về những rủi ro an ninh từ Huawei. Pháp tuyên bố sẽ đặt ra những giới hạn đối với các khoản đầu tư của Huawei vốn đe dọa đến nền an ninh quốc gia.

Hoa Kỳ còn đi xa hơn khi chính quyền Trump quyết liệt cấm các cơ quan công quyền sử dụng các thiết bị của Huawei và buộc các nhà khai thác điện thoại phải loại bỏ những điện thoại có thương hiệu Trung Quốc ra khỏi danh mục bán hàng, nếu không muốn mất đi các khoản trợ cấp của chính phủ dành cho họ.

Nếu nói về một cuộc bao vây toàn diện và “ra đòn” kinh tế nhắm vào ĐCSTQ, thì có thể kể đến việc chính quyền Trump ban hành đạo luật cấm tất cả các công ty trên thế giới đang sử dụng công cụ, thiết bị hoặc bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ cung cấp sản phẩm điện tử cho Huawei. Đây có thể được xem là “độc chiêu” điểm vào tử huyệt của ngành công nghệ Trung Quốc.

Một sự "dè chừng" tương tự cũng diễn ra ở Úc và New Zealand: cả hai quốc gia này đã từ chối lời đề nghị xây dựng mạng 5G của Huawei. Tương tự, Nhật Bản đã cấm các cơ quan chính quyền của họ sử dụng các thiết bị của công ty Trung Quốc.

Lê Minh - Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

‘Sự thông đồng’ giữa Huawei và ĐCS Trung Quốc khiến Huawei thành 'trung tâm căng thẳng' giữa Bắc Kinh và phương Tây