Nơi nào người yếu thế bị ức hiếp thì nơi đó ắt có đám đông im lặng làm ngơ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thực ra, sự khôn khéo của Vương Bà không phải là bà ta có cao chiêu nào che giấu tất cả mọi người, mà là bà ta biết rằng không cần phải giấu giếm tất cả mọi người, bởi vì trong một xã hội không có sự bảo vệ đối với nhân quyền thì khi đối mặt với những việc làm xấu xa của kẻ ác, người ta thường im lặng.

Khi mọi người im lặng

Sau khi Võ Đại bắt quả tang kẻ gian dâm và bị đá bị thương, Phan Kim Liên vẫn qua lại với Tây Môn Khánh như cũ. Nhưng họ cũng biết rằng Võ Nhị sẽ quay lại. Điều này đột nhiên làm nguội nhiệt huyết của họ. May mắn thay, họ có Vương Bà.

Vương Bà hiến cho họ kế sách, chia làm 2 bước: Bước đầu tiên, kết liễu Võ Đại, để lửa thiêu đốt sạch, không còn dấu vết. Dù Võ Nhị quay trở lại, thì cũng có thể làm được gì? Bước thứ hai là đợi trọn ngày tang chồng, đại quan nhân lấy Phan Kim Liên, họ sẽ thành vợ thành chồng mãi mãi.

Đêm đó, Phan Kim Liên đã tự tay đầu độc Võ Đại bằng thạch tín do Tây Môn Khánh đưa cho. Giết người không khó, cái khó là làm sạch sẽ không để lại dấu vết, đó mới là mấu chốt.

Tuy nhiên, muốn làm sạch sẽ không để lại dấu vết, che giấu tất cả mọi người là điều không thể, bởi vì không có bức tường nào mà không lọt gió. Chuyện này sớm đã lan ra khắp nơi rồi, cả phố Tử Thạch ai mà không biết vụ ngoại tình rùm beng này? Theo lời viết trong “Thủy hử” có nghĩa là “hàng xóm láng giềng ai cũng biết hết”.

Thực ra, sự khôn khéo của Vương Bà không phải là bà ta có cao chiêu nào che giấu tất cả mọi người, mà là bà ta biết rằng không cần phải giấu giếm tất cả mọi người, bởi vì trong một xã hội không có sự bảo vệ đối với nhân quyền thì khi đối mặt với những việc làm xấu xa của kẻ ác, người ta thường im lặng.

Vì vậy, sự tự tin của Vương Bà không đến từ việc tin vào khả năng của kẻ xấu, mà đến từ sự lựa chọn im lặng của những người tốt. Chỉ cần biết chắc người tốt sẽ im lặng trước hành động xấu của kẻ ác, thì việc ác nào cũng có thể làm.

Sáng sớm hôm sau, hàng xóm đến hỏi chuyện. Hàng xóm biết người này chết không rõ ràng, không dám hỏi han, chỉ biết khuyên nhủ: “Chết thì chết rồi, người sống cố gắng vượt qua, nương tử bớt buồn phiền”. Phan Kim Liên đành phải giả vờ cảm ơn. Rồi mọi người giải tán.

Chúng ta thấy đó, "Hàng xóm biết rằng người này chết không rõ ràng", nhưng còn họ thì sao? Họ đều rời đi! Thậm chí không ở lại để xem!

Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng: Nếu không có Võ Tòng, cái chết oan của Võ Đại sẽ bị chìm xuống đáy biển.

Tất nhiên, Vương Bà vẫn đang lo lắng về một người, đó là người đứng đầu Hội tang lễ huyện Dương Cốc, Hà Cửu Thúc. Vương Bà nói với Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên: "Chỉ có một điều quan trọng nhất. Hà Cửu Thúc là một người tinh tế, chỉ sợ rằng anh ta sẽ nhìn ra sơ hở và không chịu khâm liệm".

Để ý đến lời nói của Vương Bà, có phải là sợ bị nhìn ra sơ hở không? Không phải. Những người hàng xóm đều có thể nhìn thấy kẽ hở. Việc khiến Hà Cửu Thúc, một chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực này, không thể nhìn ra những sai sót, là không thể.

Vậy Vương Bà lo lắng điều gì về Hà Cửu Thúc? Chính là “không khâm liệm”. Bởi vì Hà Cửu Thúc làm người khâm liệm, và anh ấy có thể không im lặng vì sợ phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, Tây Môn Khánh không hề lo lắng.

Khi Hà Cửu Thúc đến, Tây Môn Khánh đã chặn đứng anh ta lại, kéo anh ta đến một quán rượu nhỏ, và đưa cho Hà Cửu Thúc mười lượng bạc. Hà Cửu Thúc nghi ngờ, nhưng anh ta vẫn nhận tiền, không phải vì tham lam tiền bạc, mà vì sợ hãi. Nỗi sợ thứ nhất là: Tây Môn Khánh là một kẻ thủ đoạn; và nỗi sợ thứ hai là: Tây Môn Khánh nắm quyền kiểm soát quan phủ.

Tiếp theo, tại hiện trường, anh ta xác định rằng Võ Đại bị đầu độc mà chết, anh ta giả vờ ốm, hôn mê bất tỉnh và được khiêng về nhà bằng ván cửa. Lên tiếng thì không dám vì sợ hãi trước Tây Môn Khánh; im lặng lại cũng không dám vì sợ hãi Võ Nhị Lang.

Sự khác biệt giữa một xã hội quyền lực và một xã hội pháp trị là gì? Trong một xã hội quyền lực, người này sợ người kia. Trong xã hội pháp trị, người này không phải sợ người kia.

Hà Cửu Thúc biết rằng Võ Đại bị đầu độc chết, nhưng anh ấy sợ Tây Môn Khánh và chọn cách im lặng. Sở dĩ anh ta giữ xương cốt của Võ Đại làm bằng chứng không phải vì lương tâm, mà là vì anh ta cũng sợ Võ Tòng.

Vừa sợ Tây Môn Khánh, vừa sợ Võ Nhị Lang, Hà Cửu Thúc thật đáng thương. Trong một xã hội cường quyền, tất cả mọi người đều đáng thương, và họ đều là những Hà Cửu Thúc mang đầy sự sợ hãi.

Vì sợ hãi, Hà Cửu Thúc và những người hàng xóm của Võ Đại mặc dù biết rằng anh ta bị chết oan, nhưng không ai sẵn sàng đứng lên làm rõ sự thật và trả lại công bằng cho Võ Đại. Mọi người đều trở thành những kẻ đồng lõa âm thầm.

Chúng ta đã thấy sự im lặng này khi Lâm Xung bị bức hại. Khi cha và con gái Kim Thúy Hoa bị Trấn Quan Tây ức hiếp. Trong toàn bộ truyện “Thủy hử”, hễ nơi nào có kẻ yếu bị ức hiếp, tất phải có đám đông im lặng, đứng bên lề, âm thầm không lên tiếng.

Nếu thế giới này chìm vào bóng tối, thì không phải sự phách lối của kẻ xấu thổi tắt ánh sáng cuối cùng, mà là sự im hơi lặng tiếng của những người tốt.

Không có tai bay vạ gió!

Khi Đậu Nga hàm oan bị dẫn giải đến pháp trường, trước khi hành quyết được hỏi có điều gì muốn nói, Đậu Nga đã nói:

  1. Xin hãy cho tôi tấm lụa trắng dài ba thước để treo trên cột cao một trăm thước, nếu tôi bị oan, máu của tôi sẽ không rơi xuống đất, mà sẽ thấm lên tấm lụa trắng;
  2. Nếu tôi bị oan, khi đầu rơi xuống đất sẽ có tuyết lớn rơi;
  3. Nếu tôi bị oan, sau khi tôi chết sẽ có 3 năm hạn hán.
Đậu Nga
Người ta biết rằng Đậu Nga đã bị hàm oan, nhưng không dám nói lời công đạo, đó là bất nghĩa. (Ảnh web)

Viên tham quan bĩu môi, lắc đầu nói "vớ vẩn, hoang đường". Trong lòng thầm nghĩ: "Trời tháng sáu này làm sao có tuyết được? Người ta chỉ thấy máu chảy xuống dưới, ta muốn xem máu làm thế nào mà bay lên? Hừ ..." Thế là ông ta ra lệnh cho người treo tấm lụa trắng dài ba tấc trên cột cao.

Có câu: “Thiện ác không có báo, càn khôn ắt vị tư!” Khi đao phủ vung dao rơi xuống, kỳ diệu thay máu của Đậu Nga bắn lên trên tấm lụa trắng treo lơ lửng trên không, không hề rơi một giọt xuống mặt đất. Khi đầu của cô rơi xuống đất, quả thật một cơn gió mạnh cuốn theo trận tuyết lớn tới. Trong tích tắc, mọi người trước đó còn đang nóng chảy mồ hôi, ai nấy co ro chạy về nhà, liên tục xôn xao về câu chuyện lạ. Hậu quả của cái chết của Đậu Nga là ba năm hạn hán nghiêm trọng, mùa màng không thu hoạch được gì. Mọi người đều biết rằng ông Trời đang bất bình thay cho Đậu Nga!

Nhiều năm sau, cha của Đậu Nga đỗ bảng vàng và trở thành quan to. Khi trở về quê nhà, ông đã xét xử lại vụ án Đậu Nga giết Trương Lư Nhi và viên tham quan, thanh minh cho Đậu Nga. Dân làng đến thăm cha Đậu Nga và nói: “Chúng tôi sớm đã biết rằng Đậu Nga bị oan, nhưng sợ trước quyền thế của tham quan mà chỉ biết phẫn nộ chứ không dám lên tiếng. Nhưng chúng tôi không hại Đậu Nga, tại sao phải chịu hạn hán ba năm này?".

Cha Đậu Nga nói: “Mọi người biết Đậu Nga bị oan, nhưng không dám nói lời công bằng. Đó là bất nghĩa. Một số người tin vào tham quan, cho rằng Đậu Nga thật sự đã giết người, còn vu khống người trung lương, đó là bất nhân. Ông Trời có mắt, không có tai bay vạ gió, thiên tai nhân họa là ông Trời đang trừng trị những kẻ bất nhân, bất nghĩa!".

Câu chuyện này cũng gợi mở cho các thế hệ mai sau: trên đời, con người cần phân rõ thị phi, kiên định chính nghĩa, chống lại tà ác, như vậy mới được trời cao bảo hộ, không bị tổn hại khi thiên tai ập đến. Vì vậy, nhiều khi chúng ta cảm thấy sự việc nào đó xảy ra không liên quan gì đến mình, nhưng khi chúng xuất hiện, những phản ứng ta nghe thấy và gặp phải, và những lựa chọn trong tư tưởng, có thể phân rõ nhân tâm, đó cũng chính là lựa chọn giữa thiện và ác. Nếu đó là một sự kiện rất lớn, dẫn tới những thiên tai kiếp nạn, họa phúc của con người đi hay ở có thể dựa vào chính cái tâm niệm lúc đó mà quyết định. Ý niệm chỉ sai khác mà dẫn tới kết quả vô cùng khác biệt!

Thiện lương là gì? Một số người nói rằng tôi thường thích giúp đỡ người khác, họ nghĩ rằng đó là thiện lương. Nhưng đối mặt với việc thị phi lớn, đối mặt với cái thiện cái ác, họ lại không thể phân biệt được, và không thể lựa chọn chính xác. Trên thực tế, điều này đòi hỏi con người phải tích lũy thêm thiện lương cùng dũng khí, chính nghĩa và lương tri, lý tính và trí tuệ.

Tóm lại, nếu hôm nay nhìn thấy điều đen tối mà không dám đứng ra, thì ngày mai ta sẽ không thể bước ra được!

Minh An
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Nơi nào người yếu thế bị ức hiếp thì nơi đó ắt có đám đông im lặng làm ngơ