Lạm dụng các công cụ tài chính cấu trúc để huy động tiền và cho vay dưới chuẩn (Phần 5)

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Thay thế một khoản nợ cũ khó đòi bằng một khoản nợ mới không tạo ra tăng trưởng, việc làm này sẽ không đảo ngược vòng xoáy tài chính chết chóc” - Charles Hugh Smith

Sau một thập kỷ, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do Hoa Kỳ dẫn đầu không chỉ còn hiện hữu mà còn là nguyên nhân phát sinh khối nợ toàn cầu lớn kỷ lục. Gần đây, cùng với việc Trung Quốc áp chế mạnh mẽ hệ thống ngân hàng ngầm vốn gây ra rủi ro tiềm tàng cho hệ thống tài chính, thì khu vực tư nhân của Trung Quốc - khu vực đóng góp nhiều nhất cho GDP của nước này - cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền mặt lớn do sự gia tăng của vỡ nợ trái phiếu. Trong bài viết này, tác giả nhấn mạnh vào các công cụ tài chính được Trung Quốc sử dụng để khắc phục các vấn đề gây ra cho nền kinh tế bởi một khu vực tư nhân cạn kiệt tiền, bức tường đáo hạn trái phiếu sắp tới và rủi ro vỡ nợ trái phiếu.

Ngân hàng ngầm rủi ro với người gửi tiền và nhà đầu tư bởi các dịch vụ tài chính (huy động tiền, cho vay,..) có tiêu chuẩn an toàn thấp, trong khi nằm ngoài kiểm soát, giám sát của hệ thống tài chính chính thống.

Trong vài năm qua, các nhà hoạch định Trung Quốc đã tiến hành kiểm soát hệ thống ngân hàng ngầm trị giá 10 tỷ USD đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho hệ thống tài chính nước này. Sau một năm ngăn chặn các phương thức huy động tiền của hệ thống ngân hàng ngầm cũng như dòng vốn từ hệ thống này chảy những lĩnh vực rủi ro nhất, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục suy giảm. Viễn cảnh vỡ nợ trái phiếu đã bắt đầu xuất hiện, làm gia tăng rủi ro đối với sự ổn định kinh tế của đất nước. Khu vực tư nhân Trung Quốc đang quay cuồng vì sự gia tăng của vỡ nợ trái phiếu với số lượng giấy nợ kỷ lục sắp đáo hạn trong vài quý tới. Kể từ tháng 3/2018, Trung Quốc đã đưa ra khoảng 30 quy định mới nhằm giảm bớt nợ vay. Điều này đã dẫn đến thanh khoản trên thị trường bị siết chặt, đặc biệt là trong khu vực tư nhân - vốn khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. Điều này dẫn tới việc các Ngân hàng Thương mại (NHTM) Trung Quốc buộc phải gia tăng dự phòng rủi ro cho các khoản tín dụng chất lượng kém đã rót vào khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm doanh nghiệp, hộ gia đình).

Các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể đứng trước nguy cơ lặp lại tình cảnh khó khăn của năm 2015 khi đồng CNY bị phá giá mạnh, đẩy nợ nước ngoài tăng cao và làm suy giảm dự trữ ngoại tệ.

Công cụ tài chính cấu trúc được các NHTM Trung Quốc áp dụng tràn lan để lấp đầy nhu cầu vốn khi thiếu vắng ngân hàng ngầm. Tuy nhiên, công cụ này thực chất là sản phẩm tài chính dưới chuẩn an toàn được ngụy trang bằng thuật ngữ tài chính phức tạp…

Theo định nghĩa của Investopedia, “tài chính có cấu trúc” thực chất là công cụ tài chính (ở đây có thể hiểu là sản phẩm tài chính của NHTM về huy động, cho vay) được thiết kế riêng cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu tài chính nhưng bản thân họ lại không đủ điều kiện để đáp ứng các sản phẩm tài chính truyền thống.

Thực tế, công cụ tài chính cấu trúc có thể bị các NHTM lạm dụng để thiết kế ra các khoản cho vay hoặc huy động tài chính dưới chuẩn an toàn mà khuôn khổ pháp lý đã quy định. Thường thì sản phẩm “tài chính cấu trúc” chỉ được thiết kế cho các doanh nghiệp lớn, các trường hợp có thực lực về tài chính, về dòng tiền, thanh khoản nhưng bản thân họ không đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm tài chính truyền thống, ví dụ: doanh nghiệp có dự án tốt, tiềm năng nhưng không thể vay vốn ngân hàng vì họ không đáp ứng được yêu cầu về tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, trong một nền kinh tế đang suy trầm, thì khối nợ xấu bị che dấu và bong bóng bất động sản ngày một phình to có thể khiến hệ thống tài chính Trung Quốc khốn đốn. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường ngân hàng ngầm - nơi duy nhất có nhu cầu vay vốn dưới chuẩn an toàn - hiện không thể hoạt động, thì biến tướng của các sản phẩm “tài chính cấu trúc” có rủi ro cao là lựa chọn tối ưu cho các NHTM của Trung Quốc, từ trung ương đến địa phương.

Các NHTM của Trung Quốc đã sử dụng công cụ “tài chính cấu trúc” để huy động vốn và cho vay ra thị trường nhằm bù đắp thanh khoản trong hơn 1 năm qua, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) siết chặt hoạt động ngân hàng ngầm khiến các NHTM trong hệ thống này khó khăn trong huy động vốn và cho vay dưới chuẩn.

Do vậy, việc thay thế rủi ro của ngân hàng ngầm bằng việc tăng cường sử dụng sản phẩm tài chính cấu trúc không khác gì việc bọc một lớp giấy đẹp ra ngoài khối rủi ro vỡ nợ vốn như một ngọn lửa âm ỉ lan tỏa, gặm nhấm hệ thống tài chính Trung Quốc.

Sau khi các sản phẩm tài chính của ngân hàng ngầm bùng nổ từ năm 2010 đến năm 2016, thì các sản phẩm quản lý tài sản (được hạch toán ngoại bảng) được bán bởi các ngân hàng hầu như không tăng trong năm 2017 và 2018. Một yếu tố chính của chiến dịch chống lại các sản phẩm quản lý tài sản là lệnh cấm cung cấp bảo đảm ngầm cho các dịch vụ rủi ro hơn cho người tiết kiệm Trung Quốc. Thay vào đó, các ngân hàng đã tăng cường phát hành những gói tiền gửi cấu trúc với các tính năng phái sinh, nhiều trong số đó gắn với các tùy chọn không chắc có thể thực hiện được, như một cách để thu hút những người tiết kiệm Trung Quốc đang “đói” lãi suất. Một khoản tiền gửi cấu trúc điển hình đưa ra một khoản gốc được đảm bảo, thông thường là giống với tiền gửi ngân hàng bình thường, cùng với tiềm năng mang lại lợi nhuận cao hơn tùy thuộc vào các hợp đồng phái sinh đi kèm, thường được liên kết với các loại tiền tệ, hàng hóa hoặc chỉ số chứng khoán.

Tổng giá trị của các gói tiền gửi cấu trúc

Ví dụ về sản phẩm tài chính cấu trúc: “Ngân hàng Weihai Blue Ocean đưa ra một khoản tiền gửi cấu trúc 91 ngày, hứa hẹn sẽ cung cấp lãi suất 5,28% một năm nếu giá vàng duy trì trong khoảng 300-2.200 USD/ounce cho đến khi đáo hạn”.

Các khoản tiền gửi như vậy có dụng ý kích thích ham muốn đánh cược của khách hàng, những người đang tìm kiếm lợi nhuận cao từ tiền gửi của họ. Với việc các nhà hoạch định Trung Quốc đang cố gắng làm chậm lại sự mở rộng của ngành tài chính và đang thắt chặt thanh khoản, các ngân hàng nhà nước đang phải đối mặt với áp lực lớn để đảm bảo nguồn vốn trong khi họ tiếp tục giảm các sản phẩm tài chính ngoại bảng, do đó phải dùng đến việc phát hành các sản phẩm tài chính cấu trúc. Tiền gửi cấu trúc đã được chứng minh là một nguồn tài trợ đặc biệt hấp dẫn cho các ngân hàng nhỏ hơn của Trung Quốc, vốn không có mạng lưới chi nhánh khổng lồ của các công ty cho vay lớn như Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc đàn áp ngân hàng ngầm. Nhưng nợ cấu trúc của Trung Quốc không được miễn trừ khỏi nguy cơ vỡ nợ và rất có thể gây ra khủng hoảng trong dài hạn.

Mặt trái của các sản phẩm tài chính cấu trúc

Giảm phát hành các sản phẩm ngân hàng ngầm và tăng các sản phẩm tài chính cấu trúc không gì khác ngoài việc rút tiền từ túi trái và đưa lại vào túi phải. Giả định vốn có của một sản phẩm tài chính cấu trúc là nhà đầu tư có ý định giữ nó cho đến khi đáo hạn. Tuy nhiên, thực tế có thể không lý tưởng như vậy. Như với bất kỳ khoản vay hoặc nợ nào khác, bạn phải chịu rủi ro rằng ngân hàng đầu tư phát hành có thể gặp rắc rối và không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Vấn đề lớn nhất là các sản phẩm tài chính cấu trúc sẽ gia tăng thêm rủi ro tín dụng cho một thị trường nổi tiếng là không minh bạch như Trung Quốc. Các sản phẩm tài chính cấu trúc hiếm khi được giao dịch trên thị trường thứ cấp sau khi phát hành, và do đó gây ra các vấn đề thanh khoản nghiêm trọng trong thời gian vỡ nợ. Hơn nữa, các sản phẩm tài chính cấu trúc này không còn là đối tượng ngoại bảng nữa, mà đã được đảm bảo bởi 14,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trên các công cụ tiết kiệm của Ngân hàng Trung ương. Yêu cầu đó, kết hợp với lợi suất trung bình từ 4-4,5% đối với tiền gửi cấu trúc, có khả năng sẽ gia tăng áp lực lên chi phí vốn của ngân hàng. Đây là một lý do chủ yếu cho sự sụt giảm gần đây của tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhằm giảm bớt áp lực thanh khoản mà các ngân hàng và khu vực doanh nghiệp phải đối mặt.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuần trước tuyên bố tăng 150 tỷ nhân dân tệ (21,5 tỷ USD) như một phần trong kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Trung ương cũng có kế hoạch cung cấp 10 tỷ nhân dân tệ cho một công ty bảo hiểm do nhà nước hậu thuẫn để mua lại nợ xấu của các công ty tư nhân. Lãnh đạo Trung Quốc gợi ý rằng các biện pháp kích thích mạnh hơn nữa đang được lên kế hoạch và chính phủ sẽ giúp giải quyết những khó khăn đang diễn ra phổ biến trong khu vực tư nhân. Nếu khả năng gia hạn cho các khoản nợ của ngân hàng bị cản trở, thì sự hỗ trợ của họ cho nền kinh tế thực sẽ bị xói mòn, và điều này rất có thể làm hỏng sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia kinh tế và tổ chức kinh tế quốc tế tin rằng hạt giống của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo đang được gieo và rất có thể đến từ Trung Quốc, và sẽ lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu. Chính sách hỗ trợ tiền tệ của Trung Quốc sẽ không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và không thể ngăn chặn nguy cơ rủi ro đang lan tỏa mạnh mẽ và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ thực hiện các bước cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế thông qua hỗ trợ tiền tệ và tài chính, cùng với cắt giảm thuế. Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc (giả sử nó phát triển tồi tệ nhất) sẽ làm tăng áp lực thanh khoản lên các công ty tư nhân Trung Quốc nếu khả năng kiếm lợi nhuận của họ giảm. Điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu gia tăng và GDP của Trung Quốc tiếp tục suy giảm mạnh hơn trong những năm kế tiếp.

Thanh Hương (biên dịch và tổng hợp)
Nguồn tham khảo: swiss-singapore.com



BÀI CHỌN LỌC

Lạm dụng các công cụ tài chính cấu trúc để huy động tiền và cho vay dưới chuẩn (Phần 5)