11 nghìn tỷ USD cứu trợ - bong bóng nợ ‘nóng bỏng’ và tương lai mịt mờ vì Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang diễn ra đã thúc đẩy một phản ứng chính sách tài khóa chưa từng có lên tới gần 11 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới. Nhưng với các ca bệnh đã được xác nhận và số ca tử vong vẫn tăng nhanh nên việc bơm tiền ngăn ngừa bệnh dịch và cứu vãn suy thoái không thể ngừng. Nợ toàn cầu nóng bỏng, mỗi quốc gia đang kiệt quệ đến mức không thể không “thò chân” vào “bẫy nợ’. Điều gì đang chờ đợi chúng ta?

Nóng bỏng nợ toàn cầu: kỷ lục nợ vẫn còn đang đợi cả địa cầu phía trước

Theo Viện tài chính quốc tế (IIF), suy thoái do đại dịch thúc đẩy đã đẩy tỷ lệ nợ /GDP toàn cầu lên mức kỷ lục mới là 331% GDP (258 nghìn tỷ USD) trong quý 1/2020; tăng 11 điểm phần trăm từ mức 320% trong quý 4 năm 2019.

Nợ ở các thị trường trưởng phát triển gần gấp 4 lần tổng sản phẩm quốc nội làm ra trong 1 năm của họ, ở mức 392% GDP (so với 380% ở năm 2019). Trong đó, Canada, Pháp và Na Uy có mức tăng lớn nhất.

Các nền kinh tế mới nổi nợ được thúc đẩy chủ yếu bởi bong bóng nợ phình to của các doanh nghiệp phi tài chính Trung Quốc, tổng nợ của khối này dù ít hơn các nước phát triển nhưng cũng ở mức gần gấp 2,5 lần tổng sản phẩm quốc nội làm ra trong 1 năm, chiếm 230% GDP trong quý 1 năm 2020 (so với 220% vào năm 2019).

Vấn đề là trong nhiều thập kỷ qua, mức nợ toàn cầu (nợ công và tư) đều chưa bao giờ giảm, liên tục tăng cao so với tổng sản phẩm mà con người sản xuất và sáng tạo ra. Mức nợ được đóng góp bởi cả khu vực tư và khu vực công đặc biệt tăng mạnh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Cuộc khủng hoảng đã góp phần làm gia tăng đáng kể nợ toàn cầu và mở ra một kỷ nguyên mới về lãi suất cực thấp, điều này cho phép duy trì mức nợ cao trong lịch sử theo thời gian.

Với kỳ vọng gia tăng vay nợ có thể hỗ trợ doanh nghiệp, chính phủ phục hồi kinh tế, tăng trưởng GDP cao có thể giúp doanh nghiệp, chính phủ lấy của cải làm ra giảm bớt nợ. Nhưng thực tế, tình trạng tăng trưởng GDP ảm đạm suốt 1 thập kỷ “ngồi trên đống nợ lớn” đã không giúp bong bóng nợ xẹp xuống. Giống như đã sa chân vào một cái bẫy nợ, các chính sách khuyến nợ với lãi suất cực thấp thường xuyên được công bố bởi các ngân hàng trung ương làm chúng ta liên tưởng tới sự bất lực của tiền tệ, ngõ cụt của chính sách và lỗ hổng được chắp vá vụng về sau mỗi cuộc khủng hoảng.

Sau một thập kỷ ngập trong tiền giá rẻ, bong bóng tài sản bị thổi phồng, nợ liên tiếp đạt kỷ lục, thế giới đứng trước một cuộc suy thoái mới thì đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã sớm bồi thêm một cú kích vào nền kinh tế của chúng ta, trở thành công cụ đắc lực của các chủ nợ thế giới.

11 nghìn tỷ USD đã được các chính phủ tung ra thị trường để hỗ trợ chống dịch, giải cứu doanh nghiệp, ngân hàng và tình trạng thất nghiệp trong nửa đầu năm 2020 do Covid-19. Hiển nhiên, với kỷ lục nợ năm 2019, 11 nghìn tỷ USD lần này được chính phủ chi tiêu từ nợ. Nhưng dịch chưa hết và suy thoái kinh tế sẽ còn kéo dài cả thập kỷ, kỷ lục nợ thực sự chưa đến hồi kết, rất có thể nó sẽ gấp tới 5 - 6 lần số của cải mà cả thế giới làm ra.

Quỹ tiền tệ quốc tế trong một báo cáo gần đây nhất về cảnh báo rủi ro nợ chính phủ các nước đã nêu rõ: "Các nhà hoạch định chính sách nên giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đang gia tăng, cũng như những yếu kém về cơ cấu do khủng hoảng bộc lộ để chuẩn bị tốt hơn cho những cú sốc trong tương lai".

Dường như vai trò của các chính quyền trong việc vay nợ để hỗ trợ nhóm yếu thế, ổn định xã hội chẳng được phát huy là bao, nhưng quyền vay nợ của chính quyền và khối nợ khổng lồ chi trả cho mục đích tốt đẹp kia thì cứ tăng lên chóng mặt. Kết quả là, tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng gia tăng trong khi chính phủ bất lực trước các cú sốc trong tương lai.

Câu hỏi là đến khi nào thì bong bóng nợ sẽ vỡ ra? Cũng có thể bong bóng nợ sẽ không bao giờ vỡ khi chủ nợ cấn trừ nợ chính phủ bằng chủ quyền dân tộc, bằng lá phiếu trong Liên Hợp Quốc, bằng các điều kiện trao đổi thương mại bất cân đối…

Nợ có phải là giải pháp tốt nhất giải quyết khủng hoảng?

Để giải quyết khủng hoảng, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, đều mở rộng hầu bao để hỗ trợ các chính phủ. Hầu bao của các tổ chức này chủ yếu đến từ tiền các cường quốc đóng góp vào, từ các định chế tài chính hàng đầu thế giới. Nói theo cách khác, phần lớn tiền đến từ các tài phiệt tài chính hàng đầu thế giới, nhóm sở hữu phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu và quyết định nguyên tắc của cuộc chơi tài chính này.

Các chính phủ được khuyến khích hoặc đơn giản là học hỏi lẫn nhau trong việc dùng tiền đi vay cứu trợ các tập đoàn kinh tế lớn, các định chế tài chính lớn với lý do rằng nếu không cứu họ thì người dân sẽ mất việc làm, nguồn thu thuế tương lai sẽ giảm… Dĩ nhiên, tương lai, chính phủ thu thuế người dân cả nước để trả nợ. Ngoài ra, một phần tiền lớn cũng dùng để cứu trợ thất nghiệp, đào tạo mới, tái đào tạo lực lượng lao động…

Nhưng các nghiên cứu về hiệu quả, tác động các gói cứu trợ và chính sách nới lỏng tiền tệ - tài khoá để kích thích tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 cho tới nay đã cho các bài học sau:

Thứ nhất, giải cứu nợ tư nhân càng lớn thì nợ công càng tăng khiến cơ hội phục hồi sau khủng hoảng càng thấp do gia tăng can thiệp của chính phủ vào thị trường. Đây là kết luận nghiên cứu của Mbeys và cộng sự (2018, IMF) dựa trên số liệu nợ của hơn 100 chính phủ và cách thức chi tiêu công của các chính phủ này trong khủng hoảng chỉ ra rằng các nền kinh tế càng mạnh tay giải cứu thì nợ công càng tăng mạnh, bền vững nợ công càng thấp và sức phục hồi sau khủng hoảng càng hạn chế.

Thứ hai, nghiên cứu của OECD năm 2017 [2] chỉ ra rằng chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng quá mức, không đúng mục đích, không đúng trọng tâm đã tạo ra một lượng lớn doanh nghiệp “xác sống”, chiếm cứ nguồn lực hữu hạn về vốn, đất đai, làm hạn chế cơ hội tiếp cận nguồn lực của các doanh nghiệp tốt, từ đó hạn chế đổi mới, sáng tạo, quá trình M&A thay máu doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường lành mạnh. Thực chất làm giảm khả năng tự phục hồi của nền kinh tế. Thực tế, doanh nghiệp “xác sống” sẽ tạo ra nhiều doanh nghiệp “xác sống” sau đó…

Thứ ba, dòng tiền ồ ạt giá rẻ chảy vào nền kinh tế do chính sách tiền tệ nới lỏng và do cả chính sách cứu trợ tài khoá, đầu tư công của chính phủ không hiệu quả đã tạo ra bong bóng giá trên thị trường tài sản có rủi ro cao[3]. Thực tế là tổng tài sản của quỹ ETFs trên toàn cầu đã tăng 863% trong 10 năm (2008-2019) trong khi kinh tế thực phục hồi chậm chạp. Điều này khiến giá thị trường chứng khoán – tại hầu hết các thị trường và phân khúc – đã tăng quá mức so với giá trị thực của các doanh nghiệp, bong bóng bất động sản, thị trường phái sinh phình to bất thường, gây rủi ro lớn tới ổn định tài chính toàn cầu.

Đáng nói là, tất cả các sai lầm này đang tiếp tục lặp lại trong cuộc khủng hoảng lần này, ở mức cao hơn và liều lĩnh hơn vì không ai biết sức tàn phá của con “thiên nga đen” (bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán) bao giờ mới đạt đỉnh cũng như thời gian tìm ra thứ có thể kìm hãm hay vô hiệu nó. Không phải chính phủ không biết hậu quả tồi tệ của bong bóng nợ, nhưng trong một hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu chạy th eo tăng trưởng dựa trên vay nợ, sự phụ thuộc vào nợ đã trở thành chính sách bắt buộc cho nền tảng chính trị và an sinh

Bế tắc

Trước sự sụt giảm mạnh của sản lượng toàn cầu, cần phải có một phản ứng tài khóa lớn để nâng cao năng lực y tế, thay thế thu nhập hộ gia đình bị mất và ngăn chặn phá sản quy mô lớn. Nhưng phản ứng chính sách cũng đã góp phần khiến nợ công toàn cầu đạt mức cao nhất trong lịch sử được ghi nhận, ở mức hơn 100% GDP toàn cầu, vượt quá mức đỉnh sau Thế chiến thứ II (theo IMF)

Vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tỷ lệ nợ công/GDP đã vượt mức kỷ lục thời Thế chiến thứ II (nguồn: IMF)

Báo cáo của IMF cho biết, theo cơ sở dữ liệu Giám sát Tài khóa về các biện pháp tài khóa của các quốc gia để ứng phó với đại dịch COVID-19, bao gồm một mẫu đại diện của hơn 50 quốc gia, tổng hỗ trợ tài khóa toàn cầu cho đến nay đã được phân chia gần như đồng đều giữa các biện pháp hỗ trợ trên diện rộng - các biện pháp trực tiếp ảnh hưởng đến thu và chi như hoãn thuế và chuyển tiền - và hỗ trợ cụ thể, bao gồm các khoản vay khu vực công, bơm vốn cổ phần và bảo lãnh chính phủ.

Doanh thu và nợ của các quốc gia (màu đỏ: doanh thu, màu xanh: nợ)

Vấn đề ở chỗ, nhu cầu về hành động tài khóa không kết thúc ở đây, vì chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Ngay cả khi nhiều quốc gia dự kiến ​​thoát khỏi “Đại Phong tỏa”, trong trường hợp không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng sức khỏe, vẫn còn những bất ổn lớn về con đường phục hồi.

Ưu tiên hàng đầu vẫn là sức khỏe cộng đồng và bởi thế nợ không thể không tiếp tục tăng cao và thật khó để có kế hoạch cụ thể cho khoản nợ mới. IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên chuẩn bị các kế hoạch dự phòng có thể được mở rộng linh hoạt để quản lý các rủi ro về sức khỏe, kinh tế và tài chính do các đợt bùng phát tái phát. Để ngăn chặn sự chậm trễ trong việc cung cấp hỗ trợ được nhắm mục tiêu, có thể cần một thế hệ chính sách ổn định tự động mới.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng sẽ có tính chất biến đổi. Nhiều công việc bị phá hủy bởi cuộc khủng hoảng có thể sẽ không quay trở lại. Hiển nhiên các chính phủ cần chi tiêu cho việc: chuyển nguồn lực từ các lĩnh vực có thể bị thu hẹp vĩnh viễn, chẳng hạn như du lịch hàng không, sang các lĩnh vực sẽ mở rộng, chẳng hạn như dịch vụ kỹ thuật số; hỗ trợ nên chuyển từ việc duy trì việc làm sang hỗ trợ người dân trong việc đào tạo lại hoặc di dời giữa các ngành.

IMF cũng khuyên chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần phải phân biệt các công ty kém thanh khoản với các công ty mất khả năng thanh toán. Nhưng đây không bao giờ là lời khuyên dễ thực hiện khi nó bị méo mó bởi rất nhiều quan hệ thân hữu, chính trị, tham nhũng và ý chí chủ quan của con người. Đó là lý do chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn nữa các doanh nghiệp xác sống như phụ thể bám lên nền kinh tế của chúng ta trong lần khủng hoảng này…

Trong báo cáo của mình, IMF khuyên các chính phủ có thể thực hiện các bước tiếp theo, chẳng hạn như sử dụng trái phiếu chuyển đổi và bơm vốn cổ phần vào (hoặc thậm chí tạm thời quốc hữu hóa) các công ty chiến lược và hệ thống.

Nhưng thực tế, quá trình quốc hữu hoá thực sự là con đường tịnh tiến lên chủ nghĩa xã hội nơi nền kinh tế thường vận hành ọp ẹp. Chưa kể các nghiên cứu quá khứ đã chỉ ra rằng các nền kinh tế càng hăng hái công hữu hoá tài sản tư nhân do khủng hoảng, càng khó phục hồi trong tương lai. Đây hiển nhiên không phải là lời khuyên tốt lành, không phải là một lối đi sáng sủa cho mọi nền kinh tế.

Và cuối cùng, ngay cả IMF, nơi khuyến khích các chính phủ tận dụng nguồn vốn giá rẻ để vay nợ chống đỡ virus corona Vũ Hán cũng phải cảnh báo: “Tuy nhiên, hãy thận trọng. Có sự đa dạng lớn về mức nợ và khả năng tài chính giữa các quốc gia và mức độ không chắc chắn cao xung quanh các dự báo. Chi phí đi vay có thể tăng nhanh chóng, đặc biệt đối với các nền kinh tế mới nổi và các thị trường cận biên”.

Dù sao thì, biện pháp tốt nhất cho các chính phủ bây giờ là gắng chi tiêu thật đúng mục tiêu và tiết kiệm. Như vậy, thông tin minh bạch về bất kỳ kế hoạch nào sẽ giúp hạn chế sự biến động tiềm ẩn trên các thị trường nợ có chủ quyền trong quá trình chuyển đổi. Hơn nữa, các tổ chức quốc tế phải đảm bảo rằng khả năng tiếp cận thanh khoản quốc tế không bị gián đoạn bởi sự hoảng loạn của thị trường.

Trà Nguyễn

Tài liệu tham khảo

[1] Mbaye et al, Giải cứu? Khi nợ tư biến thành nợ công, WP/18/141, IMF, 2018;

[2] https://www.oecd.org/economy/growth/The-Walking-Dead-Zombie-Firms-and-Productivity-Performance-in-OECD-Countries.pdf

[3]https://www.statista.com/statistics/224579/worldwide-etf-assets-under-management-since-1997/



BÀI CHỌN LỌC

11 nghìn tỷ USD cứu trợ - bong bóng nợ ‘nóng bỏng’ và tương lai mịt mờ vì Covid-19